Trong nhiều thế kỷ, Trung Á từng là khu vực “bất an chiến lược” đối với cả Trung Quốc và Nga. Vào giữa thế kỷ 18, đế quốc Nga và nhà nước phong kiến Trung Quốc đều mưu toan kiểm soát khu vực Trung Á, với kết quả Nga thâu tóm được Siberia, còn nhà Thanh kiểm soát được khu vực Tân Cương. Trong khi sự hiện diện thường trực nói trên nhằm giảm thiểu các mối đe dọa từ phía các bộ lạc địa phương, nó cũng khiến cho hai gã khổng lồ Âu-Á này cạnh tranh với nhau ở Trung Á cho đến tận ngày nay.
|
Trung Quốc và Nga đang lao vào “cuộc chơi lớn” tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á. Ảnh nationalinterest.org |
Liên minh chống khủng bố do Trung Quốc đề xuất chính là phiên bản mới nhất của "chính sách ngoại giao cường quốc”. Nếu được thành lập, liên minh chống khủng bố không bao gồm Nga này sẽ tập trung vào việc chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp hoạt động quân sự giữa Trung Quốc và các nước Trung Á.
Pakistan, Afghanistan và Tajikistan đã tỏ ý quan tâm đến liên minh này và cuộc đàm phán cũng đã được đề xuất với các nước cộng hòa Trung Á khác. Sự thiếu vắng chi tiết cụ thể cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao nước lớn khi giao dịch với các đối tác mà Bắc Kinh coi là “nhược tiểu”.
Đề xuất tài trợ cho Afghanistan 70 triệu USD gần đây của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ nỗ lực chống khủng bố cũng như việc mở rộng ngoại thương của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là liên quan đến sáng kiến "Một vành đai, một đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình (sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng giữa Châu Âu và Trung Quốc bằng đường bộ qua Trung Á)... đều đã qua mặt Nga. Việc gạt bỏ Moscow khỏi các đề xuất nói trên là đặc biệt đáng chú ý, khi cả Trung Quốc và Nga đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) suốt 15 năm qua.
Đáng chú ý là việc Trung Quốc đề xuất thành lập liên minh chống khủng bố ở Trung Á không có sự tham dự của Nga diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh bắt đầu sử dụng “cơ bắp” trong lĩnh vực ngoại giao toàn cầu.
Đầu năm nay, Trung Quốc hoàn tất các thỏa thuận thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti - nơi mà Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác cũng đã hiện diện. Những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh ráo riết tiến hành công cuộc cải tổ lớn trong quân đội, trong đó giảm lực lượng lục quân nhưng lại giao cho quân đội vai trò bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Những hành vi nói trên của Trung Quốc khiến cho Nga cảm thấy khó chịu, vì Moscow vốn phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào “các nước láng giềng gần” như Ukraine, khu vực Caucasus và Trung Á.
Một "nhân tố X" trong mọi cuộc đối Trung-Nga có thể ở Trung Á là Mỹ. Sau gần 15 năm can thiệp quân sự tại Afghanistan, Mỹ có rất nhiều lợi ích trực tiếp trong an ninh của khu vực. Mỹ có thể tham gia vào các nỗ lực mới của Trung Quốc. Thế nhưng, liên minh này cũng có thể khiến Mỹ hợp tác với Nga, nếu thấy những nỗ lực của Trung Quốc là đáng nghi ngờ trong khu vực.
Mặc dù, liên minh chống khủng bố ở Trung Á của Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn đề xuất, các cường quốc Nga, Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác với nhau, trong khi vẫn nghi ngờ ý đồ thực sự của nhau trong chính sách đối ngoại. Vì lý do đó, các cường quốc này có thể chọn phương án không khuấy động tình hình Trung Á, ít nhất vào thời điểm hiện tại.
Minh Châu (Theo Reuters)