Vụ kiện kéo dài dai dẳng
Trước Thế chiến II, một công ty Nhật đã thuê 2 tàu vận tải của Trung Quốc vào năm 1936. Sau 1 năm, 2 chiếc tàu vận tải này đã mất tích. Năm 1937 cũng là năm xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Nhật và Trung Quốc.
Hợp đồng thuê tàu kể trên đã dẫn tới một vụ kiện kéo dài dai dẳng. Vào cuối những năm 1980, ông Chen Zhen và Chen Chun đã khởi kiện vụ án chống lại công ty tiền thân của hãng vận tải Nhật là Mitsui O.S.K. Lines. Ông Chen Zhen và Chen Chun là 2 người cháu của ông Chen Shuntong, người sở hữu công ty Tàu hơi nước Chung Wei – cũng là công ty đã cho thuê 2 tàu vận tải vào năm 1936. Theo Tân Hoa Xã, một trong hai chiếc tàu đã đụng đá ngầm và chìm vào năm 1938; trong khi chiếc còn lại vướng mìn vào năm 1944.
Ngày 17/4, Tòa án Hàng Hải Thượng Hải của Trung Quốc đã ra lệnh bắt giữ một tàu chở quặng sắt thuộc sở hữu của người thừa kế của công ty Nhật Bản kể trên nhằm đền bù cho sự mất mát của 2 tàu vận tải Trung Quốc.
|
Tàu chở quặng sắt bị bắt giữ của hãng vận tải Mitsui O.S.K. Lines.
|
Tòa án Thượng Hải trong thông báo ngắn gọn của mình mà không đưa ra lời giải thích rõ ràng về việc tòa án này lựa chọn thời điểm hiện tại để thi hành án. Thông báo của Tòa án Thượng Hải chỉ cho biết, việc thương lượng giữa 2 bên đã thất bại nên lệnh bắt đã được đưa ra.
Chính phủ Nhật ngay lập tức đã lên tiếng cảnh báo, hành động của quan tòa Trung Quốc có thể ảnh hưởng việc kinh doanh của Nhật ở nước này.
Nhật còn nợ nhiều khoản bồi thường chiến tranh?
Trong khi chính phủ Trung Quốc mô tả vụ bắt giữ này là một vụ án tranh chấp kinh tế đơn giản và không liên quan gì đến các khoản bồi thường chiến tranh thì phán quyết của tòa án lại trở thành động lực cho các nhà hoạt động Trung Quốc đang đấu tranh cho những khoản bồi thường chiến tranh bị Nhật trì hoãn do các hành động của Nhật trong chiến tranh thế giới thứ II.
Ông Tong Zeng, một nhà hoạt động Trung Quốc kỳ cựu trong việc vận động cho các khoản bồi thường chiến tranh từ Nhật cho biết, có ít nhất 10 trường hợp khác đã nộp đơn kiện và cho biết: “Đây chỉ mới là sự khởi đầu. Nhiều nạn nhân trong cuộc chiến giữa Nhật và Trung Quốc sẽ sử dụng các vũ khí pháp lý”.
Ông Tong Zeng cũng là người đưa ra các lời khuyên giúp đỡ dành cho bên nguyên đơn trong vụ án tịch thu tàu chở quặng sát của Nhật.
Vào tháng 2/2014, một nhóm 37 người bao gồm các luật sư, các học giả cũng như các lao động phổ thông và gia đình của họ đã nộp đơn kiện đòi bồi thường cho các công dân Trung Quốc bị Nhật bắt lao động cưỡng bức trong Thế chiến II.
Việc tòa án Thượng Hải bắt giữ tàu chở quăng sắt của hãng vận tải Mitsui O.S.K. Lines trong ngày 17/4 khi cho rằng công ty này đã không trả được các khoản bồi thường phát sinh từ hợp đồng nghĩa vụ thời chiến có thẻ coi là tín hiệu “bật đèn xanh” cho các nhà hoạt động Trung Quốc.
Lý do tòa án Thượng Hải chọn thời điểm căng thẳng tăng cao giữa Nhật và Trung Quốc để công bố vụ bắt giữ này vẫn là điều bí ẩn.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu đã không yên ấm khi Bắc Kinh cho rằng Tokyo đã không hoàn thành nghĩa vụ bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh sau Thế chiến II. Nhật về phần mình thì lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự.
Nhiều nạn nhân chiến tranh đã đâm đơn kiện chính phủ và các công ty Nhật lên tòa án Nhật để đòi các khoản bồi thường liên quan đến hành vi của các tổ chức này trong Thế chiến II. Tuy nhiên, hầu hết các đơn kiện này đều bị tòa án Nhật từ chối.
Ngô Trang