Nhật và EU rụt rè lên tiếng
Cục diện Ukraine dần ngã ngũ với phần thắng đang nghiêng về phía những người ly khai ở miền Đông, và tất nhiên, điều này cũng đi kèm với thắng lợi của nước Nga khi một mực bênh vực ly khai từ đầu khủng hoảng cho đến nay.
Cũng vào thời điểm này, các đồng minh của Mỹ bắt đầu rụt rè lên tiếng về những gì đã từng làm với Nga. Theo thông tin từ hãng Ria Novosti, trong chuyến thăm tỉnh Tomsk của Nga, Thị trưởng Tokyo, ông Yoichi Masuzoe đã tiết lộ một thông tin khiến người Mỹ có lẽ không vừa lòng.
|
Thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe. |
Ông Thị trưởng Tokyo phát biểu: "Nhật Bản phụ thuộc vào tiềm năng Mỹ để đảm bảo các vấn đề an ninh, đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên. Do đó, Nhật Bản buộc phải trừng phạt Nga về kinh tế."
Ông Masuzoe nói thêm: "Chúng tôi mong nhân dân Nga thấu hiểu tình huống đã thúc đẩy Nhật Bản. Các biện pháp trừng phạt này cũng không lớn, không hà khắc, so với các nước châu Âu. Tôi sẽ cố gắng hết sức để cải thiện quan hệ song phương."
Thậm chí, về vấn đề bán đảo Crimea, ông Masuzoe cũng đưa ra nhận định: "Nhân dân Nhật Bản không hiểu rõ vấn đề lịch sử của bán đảo này, hi vọng Nga tiếp tục giải thích nhiều hơn với cộng đồng quốc tế để có thể hiểu rõ vấn đề."
Những gì mà ông Thị trưởng Tokyo phát biểu tại Tomsk đã là lời giải thích đầy cảm động từ phía đồng minh lớn nhất của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương về vấn đề Ukraine.
|
Thương vụ tàu Mistral của Pháp cũng được đem ra mặc cả. |
Cùng lúc đó, việc Pháp ngừng bàn giao hai tàu sân bay trực thăng (tàu đổ bộ tấn công) lớp Mistral cho Nga cũng được Bộ Ngoại giao Pháp miêu tả là "làm theo sức ép của cộng đồng quốc tế. Trong khi Nga đã thẳng thắn cáo buộc cụm từ "cộng đồng quốc tế" này chính là ý kiến của nước Mỹ.
Trong khi đó, khả năng trừng phạt kinh tế Nga từ Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bị bỏ ngỏ khi thời hạn một tuần để triển khai đã trôi về những ngày cuối cùng. Bản thân châu Âu vẫn đang mâu thuẫn với việc tăng cường các lệnh trừng phạt này khi một lần nữa vấp phải sự phản đối kịch liệt của các quốc gia thành viên ở khu vực Đông Âu.
Đồng minh đã nhìn thấy “tim đen” của Mỹ?
Thực tế trong vấn đề trừng phạt nước Nga, EU đang rơi vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, bởi đồng minh lớn nhất của họ là nước Mỹ liên tiếp thúc ép các hoạt động trừng phạt Nga về kinh tế. Và châu Âu, đương nhiên cũng phải đối mặt với những biện pháp trả đũa của Nga.
Trong lần cấm vận trước nhằm vào các lĩnh vực tài chính, quân sự, năng lượng của Nga, nước Nga đã bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt về vấn đề vốn đầu tư từ cộng đồng châu Âu. Tuy nhiên, biện pháp trả đũa về nông sản của Nga cũng khiến EU đang dần ngấm đòn.
|
Nhiều nước EU "khóc dở mếu dở" vì nông sản không xuất được sang Nga. |
Đầu tháng 9/2014 báo hiệu tròn một tháng các biện pháp trả đũa được Moscow triển khai, và EU đã có thống kê thiệt hại riêng cho mình. Ủy viên nông nghiệp EU, Dachan Cholosh đưa ra số liệu thiệt hại lên tới 6,6 tỷ USD. Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Latvia, Đức, Bỉ, Séc, Ba Lan.
Bản thân các quốc gia này đã kêu gọi người dân tăng cường dùng trái cây nội địa để giải cứu nền nông nghiệp của họ. Thậm chí Ba Lan đã ra chiến dịch mỗi người dân ăn 3 quả táo mỗi ngày để tiêu thụ số sản phẩm dư thừa do bị cắt xuất khẩu sang Nga.
Phải nói rằng các biện pháp trừng phạt của EU, và biện pháp trả đũa của Nga đã tác động song song. Khu EU đối diện với một cuộc khủng hoảng thừa về nông sản thì Nga cũng phải chấp nhận sự thiếu thốn tương tự. Và nguy hiểm hơn với nền kinh tế của Nga không phải ở chỗ dân không có bơ, sữa, táo để ăn mà các tập đoàn của Nga không có nguồn vốn đầu tư từ châu Âu.
Tuy nhiên, Nga không ngán trong vấn đề này, bởi Moscow đã nhanh chóng tìm ra nhiều lối thoát. Các mặt hàng nông nghiệp thiếu thốn của Nga đã nhanh chóng được các quốc gia từ châu Á, Mỹ Latinh, Trung Á nhiệt liệt chào hàng. Và Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới cũng nhanh chóng chìa bàn tay đầy Nhân dân tệ của mình ra trước các tập đoàn của Nga. Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng Nga thiệt trước mắt, nhưng có nguồn bù đắp thiếu hụt về lâu về dài.
|
Lệnh trừng phạt của Mỹ làm cho chính đồng minh của mình suy yếu. |
Còn về phía các đồng minh của nước Mỹ, khi làm theo yêu cầu của Washington, họ sẽ phải chịu thiệt hại, còn Mỹ thì gần như vô sự. Vậy thiệt hại ấy sẽ được san sẻ trách nhiệm như thế nào, các biện pháp hỗ trợ ra sao? Những câu hỏi đó, Washington chưa đưa ra lời đáp thỏa đáng.
Đó là vấn đề của kinh tế, còn quân sự, Mỹ thúc giục NATO hỗ trợ cho Ukraine, mở cho Ukraine cánh cửa để gia nhập tổ chức quân sự này. Nhưng chắc chắn Moscow sẽ nổi đóa về điều đó.
Bản thân Chuẩn tướng Kenneth Todorov, Phó giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã tiết lộ rằng hệ thống tên lửa của NATO không đủ khả năng chống lại những mối đe dọa từ Nga.
Ông Todorov lý giải: "Lý do không phải do công nghệ NATO thua kém Nga, mà bởi sức mạnh tên lửa NATO đang tập trung với mục tiêu Trung Đông. Đối với Nga, hiện chỉ có 48 hệ thống tên lửa đánh chặn nằm giữa Ba Lan và Romania, trong khi Nga có hàng trăm bệ phóng tầm ngắn, trung và dài."
Như vậy có thể nhận thấy rằng, với NATO, Mỹ đang định hướng sự quan trọng trên hết về phía Trung Đông. Vậy giá trị của Ukraine sẽ nằm ở đâu, các quốc gia thành viên NATO có dại dột đối đầu với Nga khi bản thân họ đã yếu thế hơn rõ ràng?
Thêm một động thái khác từ phía Mỹ, Tổng thống Obama thúc đẩy việc thành lập liên minh chống lại Hồi giáo IS ở Iraq. Đồng thời, nước Mỹ đã điều thêm bộ binh và không quân tham chiến ở khu vực này. Đó là những hành động phát sinh, còn chiến lược lâu dài của Mỹ là châu Á - Thái Bình Dương. Vậy Ukraine sẽ nằm ở đâu trong nấc thang đánh giá tầm ưu tiên của Washington?
Nhật Bản, EU hiểu rõ điều này. Đó là lý do vì sao mọi vấn đề với Nga đều được giải quyết một cách đối phó, cầm chừng. Và cách mà EU giải quyết chỉ khiến chính quyền ở Kiev của Ukraine ngày càng bế tắc.
Theo DVO