Treo thưởng hơn 80 tỷ đồng bắt trùm ma túy Guzman
Ngày 13/7 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Mexico Miguel Ángel Osorio Chong thông báo, giám đốc nhà tù nơi trùm ma túy Mexico Joaquin “El Chapo” Guzman trốn thoát đã bị sa thải.
Các nhà chức trách đã mở chiến dịch săn lùng Joaquin “El Chapo” Guzman sau khi hắn trốn khỏi nhà tù an ninh bậc nhất ở phía Tây thành phố Mexico ngày 12/7 vừa qua bằng cách chui qua một đường hầm dài tới 1,5 km.
|
Trùm ma túy "El Chapo" Guzman bị bắt lại vào tháng 2/2014. |
Chính phủ Mexico hiện đang treo thưởng lên tới 60 triệu peso (khoảng 3,8 triệu USD) cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp cảnh sát bắt giữ Guzman.
Họ cũng công bố một bức ảnh về “gã lùn” Guzman chụp gần đây với bộ dạng hoàn toàn khác so với hồi bị bắt giữ năm ngoái. Đồng thời, đoạn video từ nhà tù từng giam giữ gã này cũng sớm được công bố.
Tổng thống Mexico cũng như các quan chức Mỹ đều giận dữ trước hành động vượt ngục của Guzman. Nếu “gã lùn” này bị bắt, hắn sẽ bị dẫn độ tới Mỹ.
“Trùm ma túy” đào tẩu như thế nào?
Trước đó, hồi năm 2001, gã lùn Guzman từng trốn khỏi nhà tù Mexico bằng cách chui vào một giỏ đựng đồ giặt. Tuy nhiên, hắn đã bị bắt trở lại sau 13 năm khi đang ngủ trong một khu nghỉ dưỡng tại bãi biển Mexico.
Lần này, theo các nhà chức trách Mexico, cuộc đào tẩu khỏi nhà tù liên bang Altiplano ở Almoloya de Juarez, được thực hiện một cách rất công phu: Đường hầm với hệ thống đèn điện chiếu sáng, thông hơi và thậm chí được trang bị cả một chiếc mô tô.
Theo ông Monte Alejandro Rubido - chỉ huy An ninh Quốc gia Mexico, miệng hầm thông với nhà tắm nằm trong phòng giam của Guzman.
Guzman trốn thoát trong nhà tắm và chui sâu khoảng 9 m để tới đường hầm dài 1,5 km dẫn tới một ngôi nhà đang xây dở.
“Không có nghi ngờ gì về việc Guzman có trợ thủ. Hắn không thể nào tự mình đào được đường hầm dài cả cây số như vậy”, Grill, tác giả cuốn “El Narco: Inside Mexico’s Criminal Insurgency, nhận định.
Để thực hiện cuộc đào tẩu này, trùm Sinaloa Cartel hẳn đã mất nhiều thời gian tìm hiểu về hệ thống nhà tù Mexico. Bất cứ ai trợ giúp trong kế hoạch vượt ngục của Guzman chắc hẳn đã có bản vẽ thiết kế của nhà tù nên mới biết đào hầm thông đến khu nhà tắm, một quan chức Mexico cho biết trên CNN.
|
Đường hầm nơi được cho là cách giúp Guzman trốn thoát ngày 12/7 vừa qua. |
Trong khi các nhà chức trách đưa ra bằng chứng chứng minh Guzman trốn thoát thông qua đường hầm dưới lòng đất, một chuyên gia đặt câu hỏi, liệu trùm ma túy này có thực sự sử dụng đường hầm này hay không?
“Nếu Guzman thoát ra ngoài bằng đường hầm thì chắc hẳn có sự giúp sức của cai ngục và tay trong của hắn”, Don Winslow, tác giả của cuốn tiểu thuyết “The Cartel”, nhận định.
“Tôi cho rằng hắn đã thoát bằng lối cửa trước và đường hầm chỉ là phương tiện che mắt các nhà chức trách Mexcio”, Don nói tiếp.
Guzman “thoát” hệ thống an ninh của nhà tù như thế nào?
Theo Bộ trưởng Nội vụ Osorio Chong, các viên cai ngục chắc hẳn đóng vai trò “trợ thủ” trong vụ đào tẩu này. Ông đã sa thải giám đốc nhà tù và nhiều quan chức khác để phục vụ cho cuộc điều tra.
Ông Chong cho biết thêm, Guzman ở trong phòng giam với hệ thống giám sát cùng chiếc còng tay theo dõi từng động thái của hắn. Tuy nhiên, Guzman đã phát hiện hai điểm mù của hệ thống video. Hắn đã mở được còng tay trước khi chui qua hầm và tẩu thoát.
Trong diễn biến liên quan, Tổng công tố Mexico ngày 13/7 thông báo, 34 người liên quan đến vụ vượt ngục của Guzman đã bị thẩm vấn. 12 người mới được phóng thích và 22 nhân viên nhà tù còn lại vẫn bị giam giữ.
Bộ trưởng Nội vụ Chong tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ của người dân để bắt được tên tội phạm khét tiếng này.
“Gã lùn” Guzman có thể ở đâu sau khi vượt ngục?
Một quan chức Mexico ban đầu nhận định, có thể, Guzman đang ẩn náu trong một khu đô thị nào đó ở thành phố Mexico giữa lúc cảnh sát đang săn lùng gắt gao. Nhưng sau đó, vị này lại cho rằng, Guzman sẽ quay về quê nhà Sinaloa. Mạng lưới “tay chân” của Guzman ở đó sẽ giúp hắn tránh được nguy hiểm.
Cũng giống như trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden từng trú ẩn trong khu vực rừng núi hoang vắng ở Afghanistan, Guzman được cho là đã từng nhiều lần lẩn trốn ở vùng núi Mexico.
Thời gian bây giờ rất cấp thiết, Mike Braun, một cựu quan chức Mexico từng nhiều dành nhiều năm truy lùng và thu thập các chứng cứ tội phạm về Guzman, chia sẻ.
“72 giờ đầu tiên (sau cuộc vượt ngục) là khoảng thời gian vô cùng quan trọng”, ông nói. “Và nếu không sớm tìm ra Guzman, chúng ta có thể sẽ không bao giờ bắt hắn trở lại được nữa”.
|
Các nhà chức trách Mexico đang mở chiến dịch săn lùng Guzman, đồng thời, treo thưởng hơn 80 tỷ đồng cho bất cứ ai cung cấp thông tin giúp bắt được hắn. |
Mỹ từng “dự báo” về vụ vượt ngục
Guzman trở thành cơn ác mộng cho người dân ở cả hai bên biên giới Mexico – Mỹ. Hắn thống trị các “đế chế ma túy” toàn cầu trị giá nhiều tỷ đô la. Cần sa, cocaine và heroin được bày bán trên các đường phố nước Mỹ đều do hắn cung cấp.
“Ngoài tội danh ở Mexico, Guzman cũng phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác như buôn lậu ma túy hay tội phạm có tổ chức ở Mỹ. Chính phủ Mỹ sẵn sàng hợp tác với Mexico trong việc bắt giữ tên tội phạm nguy hiểm này”, Lynch phát biểu.
Các quan chức Mỹ rất tức giận trước vụ vượt ngục của Guzman. Khi “gã lùn” bị bắt giữ hồi năm ngoái tại Mexico, Mỹ đã đề nghị dẫn độ hắn ta về nước vì một phần lo sợ hắn sẽ vượt ngục.
“Đây thực sự là lý do chúng tôi muốn dẫn độ Guzman”, một quan chức thực thi pháp luật Mỹ nói. “Vụ vượt ngục cho thấy tình trạng tham nhũng ở Mexico”.
Vấn nạn tham nhũng ở Mexico
Chuyên gia phân tích pháp lý của CNN Danny Cevallos, người từng sống ở Sinaloa, cho biết vấn nạn tham nhũng, hối lộ không phải hiếm khi xảy ra.
“Tình trạng này khá phổ biến. Ngay cả khi bạn bị cảnh sát yêu cầu dừng xe giữa đường, chỉ cần bạn đưa cho họ vài peso là có thể tiếp tục hành trình”, Cevallos ví dụ.
“Chúng tôi rất lo ngại về mức độ tham nhũng hiện nay (ở Mexico)”, cựu Tổng công tố Mỹ Alberto Gonzales cho biết.
Và việc hối lộ các nhà chức trách thậm chí trở nên dễ dàng hơn nếu bạn là kẻ giàu có như Guzman. Trong kế hoạch vượt ngục hồi năm 2001 của Guzman, hắn đã chi 2,5 triệu USD để mua chuộc quan chức, theo thông tin trong cuốn sách “Last Narco” của Malcolm.
Đôi khi, các quan chức nhận hối lộ không phải vì lòng tham mà vì sợ hãi, đặc biệt là khi gặp phải một kẻ quyền lực như Guzman.
“Ước tính, hắn đã giết hoặc thuê sát thủ giết hơn 10 nghìn người”, Tom Fuentes, cựu phó giám đốc của FBI cho biết.
Kẻ máu lạnh
Bộ Tư pháp Mỹ coi “Đế chế Sinaloa Cartel” của Guzman là một trong những tổ chức ma túy mạnh và tàn bạo nhất thế giới. Guzman cũng được mệnh danh là trùm ma túy quyền lực nhất thế giới cho tới khi hắn bị bắt giữ ở Mexico hồi tháng 2/2014.
Tạp chí Forbes từng liệt kê Guzman trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới hồi năm 2009. Ước tính, tổng tài sản lúc này của hắn lên tới 1 tỷ USD.
“Guzman là kẻ độc ác. Bọn chúng đã giết hại nhà báo, chính trị gia, cảnh sát. Không chỉ giết một người mà chúng còn tàn sát cả gia đình người đó”, Fuentes bức xúc.
Theo Bộ Tư pháp, "Đế chế Sinaloa" vận chuyển ma túy qua đường hàng không, đường biển hay đất liền, thông qua máy bay vận tải, máy bay tư nhân, xe buýt, tàu đánh cá và thậm chí là tàu ngầm.
Thiên An (Theo CNN)