|
Dọa dẫm không xong, Triều Tiên tiếp tục "ra chiêu" kết án công dân Mỹ để buộc Washington nhượng bộ.
|
Ngay sau khi Triều Tiên kết án công dân Mỹ Kenneth Bae 15 năm lao động khổ sai với tội danh chống phá chính quyền, một số nhà nghiên cứu cho rằng Bình Nhưỡng lợi dụng vụ này để thu hút sự chú ý hoặc để mặc cả, đòi Washington viện trợ.
Trước đó, công dân Mỹ này bị tống giam vào tháng 11 năm ngoái trong chuyến du lịch hợp pháp tới Triều Tiên. Ngày 30/4, Kenneth bị đưa ra xét xử và bị kết án với cáo buộc âm mưu thực hiện các hành động thù địch chống phá nhà nước Triều Tiên.
Kenneth vốn là một nhà điều hành du lịch gốc Hàn Quốc có tên khai sinh là Pae Jun-ho. Trở thành công dân Mỹ cách đây hơn 2 thập kỷ, ông Kenneth tới định cư ở bang Washington. Trước đó, Kenneth đã nhiều lần dẫn các đoàn khách du lịch tới Triều Tiên mà không xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Theo các báo cáo của Triều Tiên, Kenneth bị bắt cùng với các tang vật bao gồm một số bức ảnh và các vật dụng khác được cho là chứng tỏ ông có ý đồ lật độ chế độ Bình Nhưỡng.
“Trong quán trình điều tra, y (Kenneth Bae) thừa nhận âm mưu lật đổ Triều Tiên với thái độ thù địch với chế độ Bình Nhưỡng”, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA nhấn mạnh.
Vụ bắt giữ Kenneth diễn ra trong bối cảnh căng thẳng sôi sục trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua mới bắt đầu có dấu hiệu lắng dịu khi Bình Nhưỡng có vẻ hạ giọng khiêu khích, giảm nhiệt căng thẳng. Các nhà phân tích quan ngại, vụ bắt giữ Kenneth có khẳng thổi bùng trở lại căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên.
“Câu hỏi được đặt ra chính là liệu Mỹ có sẵn lòng can thiệp để bảo vệ công dân trong bối cảnh leo thang căng thẳng. Và liệu Washington có nhượng bộ để đổi lấy tự do cho công dân”, Leonid Petrov, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia nhận xét.
Đây không phải là lần đầu tiên công dân Mỹ Triều Tiên kết án và giam giữ. Tuy nhiên, Kenneth là người bị kết án nặng nhất, với 15 năm lao động khổ sai.
Từ năm 2009 đến nay, 5 công dân Mỹ khác từng bị bắt và giam giữ ở Triều Tiên nhưng cuối cùng tất cả đều đã được phóng thích. Năm 2011, cựu Tổng thống Carter đến thăm Triều Tiên và giúp phóng thích công dân Mỹ Aijalon Gomes, bị kết án 8 năm lao động khổ sai cũng vì vượt biên bất hợp pháp vào Triều Tiên, từ Trung Quốc.
Trong khi đó, công dân Mỹ gốc Hàn Eddie Jun, bị giam giữ trong suốt nửa năm ở Triều Tiên vì một tội danh không rõ ràng cũng chỉ được phóng thích sau chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ Robert King tới Bình Nhưỡng. Còn trường hợp của Kenneth hiện nay có nhiều điểm tương đồng với một vụ kết án công dân Mỹ năm 2009.
Thời điểm đó, sau khi phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân lần 2, Triều Tiên kết án 2 phóng viên Mỹ, Laura Ling và Euna Lee, 12 năm khổ sai vì lén lút vượt biên sang nước này từ Trung Quốc cùng với cáo buộc “hoạt động thù địch, chống phá Bình Nhưỡng”. Tuy nhiên, cả hai được phóng thích sau chuyến công du của cựu Tổng thống Bill Clinton tới Bình Nhưỡng để thương lượng với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Do đó, không có gì khó hiểu khi động thái mới của Triều Tiên do đó cũng bị xem là nhằm hướng đến mục tiêu cũ như trong quá khứ - mở đường cho một chuyến thăm tới Bình Nhưỡng của một cá nhân nổi tiếng của Mỹ nếu bánh xe lịch sử vẫn quay thuận chiều.
“Triều Tiên đang lợi dụng Kenneth để làm mồi nhử cho một chuyến thăm cấp cao như vậy tới Bình Nhưỡng. Một quan chức hoặc một nhân vật kiệt xuất, nổi tiếng của Mỹ như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Jimmy Carter tới Triều Tiên giúp đánh bóng tên tuổi của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un”, Ahn Chan-il, người đứng đầu một viện nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc bình luận.
Đối với trường hợp của Kenneth hiện nay, do Triều Tiên và Mỹ không có các quan hệ ngoại giao chính thức nên Washington ủy thác cho Đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng thay mặt giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân nước này.
Nhân viên sứ quán Thụy Điển đã đại diện Washington gặp Kenneth nhưng không thể bảo lãnh cho ông này. Hồi tháng 1, Giám đốc điều hành “gã khổng lồ” Google Eric Schmid và cựu Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson cũng từng đề nghị được gặp Kenneth nhân chuyến thăm Triều Tiên nhưng bị khước từ.
Trong khi đó, Patrick Cronin, một nhà phân tích cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ mới có trụ sở ở Washington nhận xét, vụ bắt giữ và kết án ông Kenneth là “bước đi có tính toán để buộc Mỹ đối thoại”.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Bạch Dương