Triều Tiên không đàm phán trước khi có tên lửa bắn tới Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Triều Tiên không đàm phán trước khi có thể "chống lại" sự xâm lược của Washington với tên lửa có thể tấn công bờ đông nước Mỹ như thành phố New York.

Về việc Triều Tiên không đàm phán, một quan chức giấu tên của CHDCND Triều Tiên ngày 17/10 nói với CNN rằng dùng giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay là không thích hợp, trước khi Bình Nhưỡng có thể "chống lại" sự xâm lược của Mỹ bằng cách phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công bờ đông nước Mỹ và các trung tâm đô thị như thủ đô Washington và thành phố New York.
Trieu Tien khong dam phan truoc khi co ten lua ban toi My
Tên lửa đạn đạo KN-08 của Triều Tiên. Ảnh: Daily Star 
Quan chức Triều Tiên giấu tên nói trên cho biết: "Trước khi có thể can dự ngoại giao với chính quyền Trump, chúng tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng rằng Triều Tiên có khả năng tự vệ và tấn công đáng tin cậy để chống lại mọi hành động xâm lược từ phía Mỹ”.
Từ lâu, Bình Nhưỡng đã khẳng định rằng CHDCND Triều Tiên sẽ không bao giờ là bên đầu tiên phát động xung đột hạt nhân và việc duy trì kho vũ khí hạt nhân hoàn toàn là một sự răn đe phòng thủ - và khả năng dùng vũ khí tiếp cận thủ đô Mỹ sẽ là một răn đe mạnh mẽ.
Trước đó, phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In-ryong đã cảnh báo rằng "chiến tranh hạt nhân có thể bùng phát bất cứ lúc nào", khi cuộc đối đầu giữa Triều Tiên và khối do Mỹ cầm đầu “đã lên đến đỉnh điểm”. Ông nói thêm rằng Bình Nhưỡng có quyền chế tạo vũ khí hạt nhân vì mục đích tự vệ vì CHDCND Triều Tiên đã bị "đe dọa hạt nhân cực đoan và trực tiếp" từ những năm 1970.
Phó đại sứ Kim In-ryong nói với hãng tin Reuters: "Trừ phi chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đã được triệt tiêu tận gốc, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán trong bất kỳ trường hợp nào".
Cùng ngày, các nhà ngoại giao hàng đầu ở Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí tiếp tục sử dụng áp lực kinh tế chống lại Triều Tiên, trong một nỗ lực buộc Bình Nhưỡng phải đến bàn đàm phán. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan cho biết: "Chúng tôi cần làm việc với các nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác để chuẩn bị cho kế hoạch tồi tệ nhất, nếu biện pháp ngoại giao thất bại”.
Trong khi 58% người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ hành động quân sự chống CHDCND Triều Tiên nếu các biện pháp ngoại giao-kinh tế thất bại (theo kết quả thăm dò của viện Gallup), người dân Nhật Bản và Hàn Quốc lại có ý kiến khác vì họ có rất nhiều thứ để mất (thậm chí cả sinh mạng) trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.
Minh Châu (Theo Sputnik International)