Tranh chấp Biển Đông dẫn đến Chiến tranh lạnh Trung-Mỹ?

Google News

(Kiến Thức) - Liệu hành động trả đũa lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp Biển Đông có dẫn đến Chiến tranh lạnh Trung-Mỹ?

Theo giáo sư Minxin Pei của Claremont McKenna College (California, Mỹ), trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ gần đây do dự án đắp đảo khổng lồ của Trung Quốc ở Biển Đông, câu hỏi liên quan đến tranh chấp Biển Đông này đã trở nên cấp bách.
Tranh chap Bien Dong dan den Chien tranh lanh Trung-My?
Giáo sư Minxin Pei: “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ biến thành "Cơn ác mộng ở Biển Đông”.
Các “đảo nhân tạo” này sẽ không thể tự vệ trong một cuộc xung đột, mà chỉ có thể hỗ trợ cho an ninh và các tuyến đường biển của Trung Quốc về thông tin liên lạc.  Bắc Kinh hy vọng rằng bằng cách mở rộng sự hiện diện vật lý ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ củng cố yêu sách chủ quyền đối hầu hết diện tích Biển Đông.  Nhưng điều này có vẻ như  mơ tưởng  hão huyền  vì về mặt pháp lý, luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc chủ quyền lãnh thổ trên không phận và  vùng nước rộng 12 hải lý xung quanh các “đảo nhân tạo”.
Chiến thuật cắt lát Salami
Tuy nhiên, trong con mắt của Washington, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật  cắt lát Salami  (hay tằm ăn lá dâu) quen thuộc để đạt được mục tiêu cuối cùng  là kiểm soát trên thực tế các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi quan tâm đến tác động chiến thuật của việc Trung Quốc đắp “đảo nhân tạo”, Mỹ lo ngại   nhiều hơn về những hậu quả lâu dài của việc không thách thức chiến thuật cắt lát Salami của Trung Quốc.
Ở cấp độ chiến lược, việc thực hiện thành công  "chiến thuật cắt lát salami" của Bắc Kinh ở Biển Đông chắc chắn sẽ dẫn đến một trật tự khu vực mới.  Bắc Kinh muốn cho các nước láng giềng rằng Trung Quốc mới chính là trung tâm quyền lực mới ở Châu Á và Mỹ không còn có thể ngăn chặn Trung Quốc từ phô diễn sức mạnh.  Quan trọng hơn, với việc phô trương sức mạnh và uy hiếp các nước láng giềng,  Trung Quốc muốn chứng minh rằng nước này có thể viết lại các luật lệ quốc tế, nếu thấy phù hợp.
 Đó không phải là một Trung Quốc trỗi dậy mà  Mỹ có thể chấp nhận. Kể từ khi tái lập quan hệ Mỹ-Trung Quốc vào đầu những năm 1970, chính sách Trung Quốc của Washington đã được dựa trên giả định rằng một Trung Quốc mạnh mẽ có thể được tích hợp vào các hệ thống quốc tế mà  Mỹ cầm đầu và Trung Quốc sẽ không phá vỡ sự cân bằng quyền lực ở Châu Á .
Nhưng những sự kiện diễn ra  gần đây - đặc biệt là sáng kiến của Trung Quốc về việc thành lập như Ngân hàng Đầu tư Phát triển cơ cở hạ tầng Châu Á (AIIB)  và Ngân hàng Phát triển mới (NDB), tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Nhật Bản, đắp đảo nhân tạo qui mô lớn ở Biển Đông – đã khiến cho người ta nghi ngờ sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc tranh luận  ở Mỹ về chính sách của Trung Quốc, leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về các “đảo nhân tạo” ở Biển Đông đã xảy ra vào thời điểm thời điểm then chốt. Nó có thể đánh đồng nỗ lực của Trung Quốc với sự phong tỏa Berlin của Nga trong hai năm 1948-1949 đánh dấu một bước ngoặt trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.
Việc  Washington và Bắc Kinh xử lý tranh chấp ở Biển Đông như thế nàocó thể sẽ quyết định hướng đi tương lai trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Khẳng định sức mạnh
Tại thời điểm này, triển vọng về một kết quả  thương lượng “giữ thể diện” cho cả hai bên là không mấy sáng sủa. Mỹ đã công khai kêu gọi Trung Quốc chấm dứt dự án xây dựng đảo,  trong khi Bắc Kinh đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này.
Bắc Kinh nói rằng việc Mỹ đem máy bay giám sát bay qua  (thực tế là mới bay gần) một trong những hòn “đảo nhân tạo” là một sự “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và là một hành động vô trách nhiệm” và làm gia tăng lo ngại rằng những thách thức tương tự của Mỹ trong tương lai có thể dẫn đến  đối đầu hay thậm chí va chạm chết người.
Người ta hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng sự ổn định tổng thể trong quan hệ Mỹ-Trung là quan trọng hơn nhiều việc khẳng định chủ quyền đối với vài hòn “đảo nhân tạo” trái với luật pháp quốc tế.  Do Chủ tịch Tập Cận Bình sắp tiến hành chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước đã được lên kế hoạch vào tháng 9 tới,  Bắc Kinh có thể theo đuổi chính sách hạ nhiệt căng thẳng , ít nhất là trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách “ỷ mạnh hiếp yếu” (hay “chính sách cùi chỏ” như Tổng thống Obama từng mô tả), Mỹ có khả năng phản ứng  bằng cả ngoại giao lẫn quân sự.
Biện pháp đầu tiên mà Mỹ có thể tiến hành là gia tăng áp lực ngoại giao và vạch trần chiến thuật đắp “đảo nhân tạo” của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, Mỹ cũng dường như đã bắt tay vào một chiến lược ngoại giao rộng lớn hơn để gây áp lực với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Tại hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Đức vào đầu tháng Sáu, Washington đã thành công trong việc đưa vào  Tuyên bố chung của Nhóm G7  chỉ trích các hoạt động đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
 Trong trường hợp giải pháp ngoại giao thất bại, Mỹ sẽ xem xét một loạt các biện pháp đối phó khác.  Washington có thể đưa nhiều tàu hải quân và máy bay Mỹ vào cái gọi là “không phận” và “lãnh hải”  12 hải lý mà Trung Quốc tự nhận có chủ quyền lãnh thổ trái với các qui định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.  Ngoài ra, Lầu Năm Góc sẽ tăng cường sức mạnh quân sự ở phía tây Thái Bình Dương, để chống lại việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự  và trấn an các đồng minh của Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ có thể xem xét các biện pháp mạnh hơn nhiều như  Washington đưa ra nhiều   điều kiện hấp dẫn để Manila cho phép Hải quân Mỹ trở lại căn cứ hải quân ở Vịnh Subic. Điều này sẽ cho phép tàu chiến Mỹ hoạt động hiệu quả hơn tại Biển Đông. Một biện pháp khác là Washington sẽ nới lỏng cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
 Về phần mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa và dẫn đến một vòng xoáy đi xuống nguy hiểm trong quan hệ Mỹ-Trung và thậm chí dẫn đến một cuộc Chiến tranh lạnh mới ở Đông Á.
Tất nhiên, nếu bi kịch địa chính trị này xảy ra, Bắc Kinh sẽ lại đổ lỗi cho Washington. Nhưng  trong thực tế, Trung Quốc ở vào vị thế tốt hơn để ngăn chặn lịch sử lặp lại.  Người  Trung Quốc có câu ngạn ngữ  "Ai thắt nút thì chính người đó phải gỡ nút”. Không còn nghi ngờ gì nữa,  Bắc Kinh thừa hiểu rằng "chiến thuật cắt lát salami” (hay tằm ăn lá dâu) đã gây ra căng thẳng với Mỹ . Bằng cách tiếp tục cuộc đấu địa chính trị mà Trung Quốc  ít có cơ hội chiến thắng, “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ biến thành "Cơn ác mộng ở Biển Đông”.
Minh Châu (Theo Nikkei Asian Review)