Đó là nhận định của đại sứ MK Bhadrakumar, một nhà ngoại giao Ấn Độ chuyên nghiệp từng giữ chức Đại sứ Ấn Độ Uzbekistan (1995-1998) và Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001), trong bài viết đăng trên Asia Times ngày 4/10/2016.
|
Quân nổi dậy Syria đang thất trận ở Aleppo và có lẽ cả cuộc chiến Syria. Ảnh Business Insider. |
Ngày 3/10, chính quyền Obama đã biến đe dọa thành hiện thực, đình chỉ đàm phán song phương với Nga về cuộc khủng hoảng Syria. Liệu đây có phải là động thái đầu tiên của cuộc xung đột Nga-Mỹ ở Syria?
Có một thực tế rõ ràng là Mỹ và Nga không còn tin tưởng lẫn nhau. Người Nga cho rằng Mỹ không bao giờ thực tâm trong việc tách các nhóm đối lập “ôn hòa” khỏi những kẻ cực đoan bất chấp lời hứa lặp đi lặp lại, bởi vì Washington vẫn coi Mặt trận al-Nusra cũ (chi nhánh al-Qaeda ở Syria hiện đã đổi tên) là lực lượng chiến đấu có khả năng duy nhất thay đổi chế độ ở Damascus.
Nói một cách khác, người Nga có xu hướng đồng ý với những gì Tehran đã nói. Do đó, Moscow đã thay đổi chiến thuật và tập trung các nguồn lực hậu thuẫn cho chiến dịch giải phóng thành phố chiến lược Aleppo. Trên thực tế, chiến dịch giải phóng thành phố Aleppo của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đang tiến gần đến chiến thắng cuối cùng.
Đây là kết quả không thể tránh khỏi, nếu không có sự can thiệp quyết đoán của Mỹ trong những ngày tới để cứu nguy cho các nhóm cực đoan đang bị vây hãm tại các quận phía đông thành phố Aleppo.
Động lực chính của chiến dịch tấn công đa hướng của Quân chính phủ Syria - được hỗ trợ của Hezbollah và dân quân Shiite - là từ phía đông nam Aleppo, với sự yểm trợ mạnh mẽ của các máy bay chiến đấu Nga. Có tin nói, Nga cũng đã “ém sẵn” một lữ đoàn mạnh ở phía sau để trợ giúp các mũi tấn công chính, nếu cần.
|
Phiến quân Syria đã bị vây khốn ở phía đông thành phố Aleppo và hiện đang chống trả một cách tuyệt vọng. Ảnh fort-russ.com |
Người Nga cũng kiểm soát tuyến đường Castello đi từ Aleppo lên phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là con đường tiếp viện cuối cùng còn lại cho các nhóm cực đoan đang bị vây khốn ở phía đông Aleppo.
Không được tiếp viện, phải đối mặt với các cuộc không kích và tấn công liên tục từ phía bắc và phía nam, các nhóm phiến quân bị vây hãm ở phía đông Aleppo hiện đang lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng.
Vấn đề ở chỗ là với sự sụp đổ của Aleppo, các lực lượng ủng hộ chế độ ở Damascus sẽ giành quyền kiểm soát toàn bộ các khu vực đông dân ở Syria, tất cả các thành phố chính và toàn bộ bờ biển Địa Trung Hải. Tóm lại, cuộc chiến Syria có nhiều khả năng kết thúc với việc Tổng thống Bashar al-Assad củng cố được quyền lực.
Bóng ma “thắng lợi của Assad” hiện đang ám ảnh Washington. Điều này giải thích vì sao Mỹ cực lực lên án “hành động man rợ” của Nga ở Syria.
Về mặt lý thuyết, Tổng thống Obama vẫn có thể tiến hành các cuộc tấn công tên lửa nhắm vào các lực lượng chính phủ Syria. Nhưng điều đó chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”. Vào ngày 1/10, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo Lầu Năm Góc rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ nhằm loại bỏ Assad sẽ dẫn đến "sự thay đổi kiến tạo khủng khiếp" trên toàn khu vực.
Ngày 2/10, cố vấn đối ngoại của lãnh đạo tối cao Iran là ông Ali Akbar Velayati đã cảnh báo Washington rằng mọi sự can thiệp trực tiếp của Mỹ ở Syria đều là "hành động tự sát" và sẽ khiến cho Mỹ phải hứng chịu “thất bại quân sự thứ ba trong khu vực sau Afghanistan và Iraq”.
Tuy nhiên, nếu Tổng thống Obama quyết định chống lại các lựa chọn chiến tranh, ông có ba lý do để biện minh cho quyết định của mình.
Thứ nhất, quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út hiện đang ở mức xấu chưa từng có. Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ bị xấu đi không chỉ do cuộc đảo chính quân sự bất thành mà còn do Mỹ vẫn ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria vốn bị Ankara coi là “khủng bố”. Trong khi đó, Ả-rập Xê-út vẫn chưa nuốt trôi “chén thuốc độc” mà Quốc hội Mỹ dành cho Quốc vương Salman, dưới hình thức “kiện Ả-rập Xê-út liên quan đến vụ tấn công khủng bố ngày 9/11/2001”.
Thứ hai, trong bối cảnh hậu đảo chính, Tổng thống Recep Erdogan khó có thể lại sa vào “canh bạc đối đầu với Nga”, khi lợi ích hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria vẫn có thể được bảo đảm bằng cách làm việc với Tổng thống Vladimir Putin trên bàn đàm phán.
Trên thực tế, Tổng thống Putin sắp đến thăm Ankara, còn Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vốn khá thực dụng và tình báo của nước này ở bên trong thành phố Aleppo chắc đã báo cáo cho Ankara rằng Aleppo thất thủ là một “sự đã rồi”, không thể đảo ngược.
Thứ ba và có lẽ là quan trọng nhất, Tổng thống Obama không muốn đẩy nước Mỹ sa vào một cuộc “chiến tranh vô bổ” mà không có bất kỳ mục tiêu rõ ràng nào, nhất là khi nhiệm kỳ tổng thống của ông sắp mãn hạn.
Chỉ có điều, chiến thắng của Nga ở Syria lại đánh dấu sự kết thúc quyền bá chủ phương Tây ở Trung Đông và các sử gia buộc phải viết rằng đó là di sản chính sách ngoại giao của nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Chắc chắn, người Nga cũng nhận ra điều này. Moscow có thể cung cấp cho Mỹ một lối thoát để gỡ thể diện, nhưng chỉ sau khi giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo.
Chỉ có điều, từ nay đến tháng 1/2017, điện Kremlin sẽ chẳng có gì phải vội vàng để cứu vãn mối quan hệ Nga-Mỹ.
Minh Châu (Theo Asia Times)