Vắng mặt Mỹ, Trung Quốc lộng hành
|
Tổng thống Obama (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình.
|
Các nhà phân tích, các quan chức khu vực cấp cao và các nhà ngoại giao quan ngại, sẽ không có bất cứ tiến bộ đáng kể nào trong việc giải quyết tranh chấp tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được tổ chức tại Brunei vào ngày mai. Theo đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng khác có tuyên bố chủ quyền trên các khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt trên biển có thể sẽ bị gạt bỏ sang một bên theo sau sự vắng mặt của Mỹ, các nhà phân tích nhấn mạnh.
Những tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông đã hình thành một cuộc đấu trí ngày càng gay gắt, khốc liệt giữa “người khổng lồ” Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nhỏ yếu hơn. Trong một cuộc chiến không cân sức, để cân bằng lực lượng, nhiều nước Đông Nam Á, như Philippines tìm đến sự hậu thuẫn của Mỹ. Từ đó, Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng lớn nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội và Mỹ thực thi chiếc lược “xoay trục” về châu Á.
Washington chính thức tuyên bố, họ giữ lập trường trung lập về các tranh chấp lãnh thổ Biển Đông nhưng vẫn gây áp lực, thúc đẩy Trung Quốc và các bên liên quan nhanh chóng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.
Mỹ nhấn mạnh, tất cả các bên phải kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, ép buộc và không triển khai các hành động có tính chất cản trở tự do hàng hải và thương mại trên các tuyến đường biển huyết mạch, chiếm một nửa khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của thế giới.
Thượng đỉnh Đông Á là một trong những sự kiện hệ trọng của khu vực và Mỹ từ lâu được xem một thành viên tích cực tham gia hội nghị. Tuy nhiên, do bê bối chỉnh phủ liên bang đóng cửa, Tổng thống Barack Obama buộc phải hủy bỏ lịch trình tới Brunei, tham dự hội nghị trong khuôn khổ chuyến công du châu Á. Ngoại trưởng John Kerry được chỉ định thay mặt ông chủ Nhà Trắng tham dự hội nghị.
“Nhìn chung, rất khó để xác định, chừng mực và mức độ mạnh mẽ mà Mỹ sẽ bày tỏ về vấn đề tranh chấp Biển Đông khi Tổng thống Mỹ vắng mặt ở Thượng đỉnh Đông Á”, ông Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông ở Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia ở Canberra nhấn mạnh.
“Và không có Tổng thống Obama, tôi không chắc, những quốc gia có tầm ảnh hưởng yếu hơn có dám tiên phong và quyết liệt đưa vấn đề này ra bàn nghị sự”, ông Carl Thayer nhấn mạnh thêm.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông với tấm bản đồ đường lưỡi bò phi lý bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng trong khu vực.
Ngoại trừ Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, các bên liên quan tới tranh chấp khác bao gồm Brunei, Philippines, Malaysia và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei.
Cảnh báo của Bắc Kinh
Ngay từ đầu tuần này, Trung Quốc đã bắt đầu ra đòn dằn mặt, răn đe mọi sự can thiệp của Mỹ và tranh chấp lãnh thổ trên biển.
|
Thứ trưởng Trung Quốc Ngoại giao Liu Zhenmin. |
Thứ trưởng Ngoại giao Liu Zhenmin tuyên bố: “Sự nhúng mũi của các quốc gia không thuộc về khu vực này sẽ chỉ tổ làm vấn đề rối rắm, phức tạp thêm và không có lợi cho tiến trình cải thiện lòng tin lẫn nhau của khu vưc. Nhưng nếu người ta vẫn cứ muốn nhắc đến vấn đề đó, chúng tôi cũng không thể làm gì được, chúng tôi không thể bịt miệng họ lại”.
Chủ trương của Trung Quốc là muốn giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thông qua đàm phán song phương với từng bên liên quan đến tranh chấp và phản đối các cuộc đàm phán đa phương. Chủ trương này là bước đi khôn ngoan của Bắc Kinh, với sức mạnh của một siêu cường đang lên sở hữu tiềm lực hải quân ngày càng mạnh, cộng với đòn bẩy về kinh tế và thương mại đáng kể hòng giành được lợi thế và nhiều lợi ích hơn trên bàn đàm phán với các láng giềng châu Á nhỏ yếu hơn.
Gần đây, xuất hiện những dấu hiện phản ánh sự thay đổi xảo quyệt và khó lường trong các tiếp cận của Bắc Kinh đối với các tranh chấp lãnh thổ trên biển.
Đầu năm nay, Bắc Kinh tuyên bố chấp nhận tổ chức các cuộc đàm phán nghiêm túc với ASEAN về việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tranh chấp ở Biển Đông, được Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ca ngợi là “một bước tiến tích cực. và trọng đại”.
“Hãy nhớ lại rằng, cách đây ít lâu, mọi ý tưởng về việc thành lập Bộ quy tắc ứng xử đều bị Trung Quốc “bóp chết”. Nhưng nay họ đang ở đúng vị trí mà chúng ta mong muốn”, ông Marty Natalegawa nhấn mạnh.
Bất chấp sự lạc quan của Ngoại trưởng Indonesia, nhiều nhà ngoại giao quan ngại với việc bó hẹp các cuộc thảo luận ở mức độ tham vấn cấp thấp, chứ không phải đàm phán chính thức, Trung Quốc có thể tổ chức và tham gia đối thoại nhưng chưa chắc đã chấp thuận cam kết bất cứ điều gì.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã thẳng thắn bày tỏ quan ngại về vấn đề này: “Có ký được bộ quy tắc nhanh chóng hay không, tất cả thực sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tôi có hy vọng nhưng không dám chắc tiến trình có thuận lợi không. Chúng ta sẽ phải đợi để thấy điều đó”.
Bạch Dương (Theo Reuters)