Đó là nhận định của nhà báo người Ireland Bryan MacDonald, bình luận viên chuyên về Nga, trong một bài viết đăng trên báo mạng Russia Today (RT).
Theo nhà báo Bryan MacDonald, suốt hai năm trời, báo chí phương Tây ra sức tung hô "Euromaidan" là "cuộc cách mạng nhân phẩm" ở Ukraine. Truyền thông phương Tây cũng không ngần ngại ca ngợi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko là người bảo vệ các giá trị dân chủ ở “Ukraine mới”.
|
Hồ sơ Panama bộc lộ bản chất tài phiệt của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Tranh minh họa sigmalive.com |
Ngượcc lại, phương tiện truyền thông Nga đã liên tục gọi “Euromaidan” là một "cuộc đảo chính” và điều này khiến phương Tây vô cùng tức giận. Từ lâu, phương Tây đã cáo buộc Nga cố tình “đổi trắng thay đen” về tình hình Ukraine.
Trong thực tế, Maidan không phải là một cuộc cách mạng. Cách mạng luôn hàm ý một sự thay đổi triệt để về cấu trúc, nhưng ở Ukraine thời “hậu Maidan”, chẳng có gì thay đổi về cấu trúc mà chỉ có sự thay thế một nhóm thượng lưu bị cho là tham nhũng này bằng một nhóm thượng lưu khác còn tham nhũng hơn.
Một cuộc “cách mạng” ngụy tạo
Ở Ukraine thời “hậu Maidan”, các cấu trúc nhà nước cũ vẫn còn tồn tại... như trước đây. Trong một chừng mực nào đó, các gương mặt cũ vẫn điều hành lĩnh vực an ninh và các phương tiện truyền thông vẫn còn nằm trong tay các đầu sỏ chính trị như cách đây hai năm. Tổng thống Petro Poroshenko từng là Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovich, người đã bị lật đổ trong cuộc “đảo chính Maidan”.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, đối thủ lớn nhất của Tổng thống Poroshenko hiện nay là cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko, người từng giữ chức Bộ trưởng Năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Leonid Kuchma.
Vì vậy, Ukraine đã không trải qua một cuộc cách mạng thực sự. Thay vào đó, có một thay đổi nhỏ tương đương với sự xáo trộn của những chiếc ghế trên tàu Titanic. Một nhóm đầu sỏ chính trị được cho là “thân Nga” đến từ các khu vực phía đông đã bị thay thế bằng một nhóm đầu sỏ chính trị bề ngoài "thân phương Tây", đến từ các khu vực miền trung và miền tây Ukraine. Đội ngũ mới này nói tốt tiếng Anh và có tay nghề “quảng cáo” cao hơn. Đó là tất cả những thay đổi “quan trọng” ở Ukraine thời “hậu Maidan”.
"Hồ sơ Panama" bộc lộ bản chất của Tổng thống Poroshenko
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Ukraine, tỷ phú Petro Poroshenko cam kết sẽ từ bỏ doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Roshen của ông ta. Poroshenko nói với báo Bild (Hình ảnh) của Đức: "Nếu đắc cử Tổng thống (Ukraine), tôi sẽ làm cho đất nước này trong sạch và bán cổ phần của mình tại Roshen. trên cương vị Tổng thống Ukraine, tôi cam kết tập trung hoàn toàn cho lợi ích của dân tộc”. Chỉ có điều, Tổng thống Poroshenko không bao giờ làm điều này.
Bất chấp những cam kết nói trên, Tổng thống Poroshenko đã chăm lo nhiều hơn cho lợi ích cá nhân hơn lợi ích dân tộc trong mấy năm qua. Ông này đã giấu tiền ở nước ngoài và qua đó, tước bỏ của đất nước Ukraine đang trong cơn túng quẫn một nguồn thu thuế quan trọng, nhất là khi nội chiến đã nổ ra ở miền đông. Trong khi thúc ép giới trẻ rời bỏ gia đình nghèo khó để phục vụ trong quân đội, Tổng thống Poroshenko không chỉ không sẵn lòng đóng góp một phần số của cải khổng lồ của mình cho sự nghiệp chung, mà thậm chí còn trốn thuế, không chịu đóng góp cho cái gọi là công bằng xã hội mà ông luôn miệng rao giảng.
Thái độ của Tổng thống Poroshenko được tóm gọn trong các sự kiện ngày 1/9/2014. Ngày hôm đó, “Vua Sôcôla” Poroshenko cáo buộc Nga đã công khai tấn công Ukraine. Nhiều chính phủ và và tổ chức truyền thông phương Tây đã viện cớ này để làm suy giảm nghiêm trọng quan hệ với Nga. Trong khi đó, tâm trí của Tổng thống Poroshenko lại tập trung vào một nơi cách rất xa khu vực Donbass đang có chiến tranh. “Hồ sơ Panama” cho thấy trong ngày hôm đó (1/9/2014), Tổng thống Poroshenko đã cung cấp cho công ty Mossack Fonseca – một công ty luật của Panama và là trung tâm của vụ bê bối - một bản sao hóa đơn để chứng minh địa chỉ nhà mình.
Cuối tuần qua, Tổng thống Poroshenko than phiền về việc Hà Lan tổ chức trưng cầu ý dân về thỏa thuận liên kết Ukraine-EU gây nhiều tranh cãi. Ông cho rằng "mục đích thực sự của các cuộc tranh cãi ở Hà Lan là về tương lai của Liên minh Châu Âu và liên quan đến đấu đá chính trị nội bộ”. Ông Poroshenko cũng cáo buộc nhật báo The New York Times về "tội vu cáo” chống lại đất nước ông, qua việc vạch trần tình trạng tham nhũng tràn lan ở Ukraine. Có lẽ, Tổng thống Poroshenko đã hoàn toàn nhận thức được việc “Hồ sơ Panama” sắp được công bố, khi đưa ra những lời than phiền và cáo buộc nói trên.
Suy cho cùng thì Tổng thống Poroshenko nên tự trách mình. Nếu giữ lời hứa được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống Ukraine và hành động như một hiệp sĩ chân chính, thì ông đâu có phải gánh chịu hậu quả của ngày hôm nay. Tuy nhiên, các giao dịch tài chính đen tối đã bộc lộ bản chất con người Tổng thống Poroshenko, một đại diện của nền văn hóa tài phiệt từng làm tan rã Liên Xô cả về kinh tế lẫn xã hội trong những năm đầu của thập kỷ 1990 và mang lại nỗi khổ đau không kể xiết cho hàng chục triệu con người.
Video biểu tình đòi thủ tướng Iceland từ chức vì dính vào vụ bê bối "Hồ sơ Panama". (Nguồn The Guardian):
Minh Châu (Theo RT)