Ngày 4/12, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai 150 binh sĩ ở tỉnh Nineveh miền bắc Iraq mà không có sự chấp thuận của Baghdad, với lý do huấn luyện lực lượng dân quân người Kurd chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
|
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Iraq.
|
Chuyên gia Trung Đông Helena Cobban, chủ bút của Just World Books, ngày 8/12 nói với Sputnik: "Một số nhà phân tích có kinh nghiệm – trong đó có Elijah Magnier của nhật báo Al-Rai (Kuwait) – nói rằng động cơ sâu xa của việc (Tổng thống TNK Erdogan) đưa binh sĩ đến gần thành phố Mosul chính là để
thâu tóm khí đốt Iraq. Điều đó hoàn toàn có thể".
Bà Cobban cho rằng có thể Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tìm cách bù đắp cho khả năng mất nguồn cung khí đốt Nga và thủ tiêu dự án khí đốt Iran-Iraq-Syria, thông qua việc buộc Baghdad chấp nhận kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ đi qua lãnh thổ Iraq. Chuyên gia Helena Cobban nói: "Nhưng tôi không chắc rằng chính phủ Iraq sẽ nhượng bộ về vấn đề này".
Về việc Thổ Nhĩ Kỳ đem 150 binh sĩ và hàng chục xe tăng vào lãnh thổ Syria, bà Helena Cobban giải thích: "Xét theo luật pháp quốc tế, việc Thổ Nhĩ Kỳ đem quân xâm nhập Iraq là bất hợp pháp”.
Động thái triển khai binh sĩ ở Iraq phù hợp với mưu đồ của Tổng thống Erdogan trong việc duy trì mở cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cho các nguồn nhân lực, vũ khí và tiền bạc đổ vào Syria và Iraq để cung cấp cho nhóm Nhà nước Hồi giáo và các nhóm thánh chiến khác. Về việc này, bà Cobban nhận xét: "Nga, Iraq và các đồng minh xem ra đã hành động một cách khôn ngoan khi yêu cầu các cường quốc NATO kiềm chế một nước đồng minh (Thổ Nhĩ Kỳ) đang tìm cách vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
Trong khi đó, theo bà Cobban, chính sách ngoại giao và quân sự của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dường như ngày càng liều lĩnh: từ vụ bắn hạ máy bay ném bom Nga đến xâm nhập vũ trang vào Iraq.
Chuyên gia Trung Đông Helena Cobban cho rằng Tổng thống Erdogan ngày càng mất bình tĩnh và rất thất vọng vì sự can thiệp quân sự của Nga đã làm tiêu tan mưu đồ lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad của ông ta. Theo bà, “việc đổ quân vào Iraq có vẻ như là kế hoạch B”.
Ông Erdogan ra lệnh đổ quân vào Iraq bởi vì nước này quá yếu và Mỹ đã tạo ra một môi trường hỗn loạn coi thường luật pháp quốc tế trên khắp Trung Đông, giám đốc Viện nghiên cứu độc lập về Hòa bình và Tự do Ivan Eland (Independent Institute Center on Peace and Liberty) nhận định. Ông Eland nói với Sputnik: "Do Các lực lượng vũ trang Iraq đang ở trong tình trạng hỗn độn và chính quyền ở Baghdad không thể kiểm soát được lãnh thổ đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng nước này có thể hành động mà không bị trừng phạt trên lãnh thổ Iraq. Như vậy, nhìn bề ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của Mỹ, nhưng thực chất lại là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc đánh bại ISIS (Nhà nước Hồi giáo) ở Iraq và Syria”.
Giám đốc Ivan Eland kết luận: Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng vũ trang hùng mạnh trong khu vực. Nhưng thay vì tấn công Nhà nước Hồi giáo, Ankara lại chủ ý làm xói mòn sức mạnh của người Kurd - một đối thủ mạnh nhất của các nhóm khủng bố mà Mỹ hiện có trong tay.
Minh Châu (Theo Sputnik News)