"Sự lạnh nhạt ngoại giao cho thấy rõ ràng những căng thẳng gia tăng trong các mối quan hệ song phương", một chuyên gia nhận định sau thông tin Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy cuộc gặp mặt với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Những lời lẽ khó nghe dành cho Tổng thống Mỹ
Theo trang tin Rappler, từ việc từ chối gặp mặt Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tới việc bị người đàn ông quyền lực nhất thế giới ghẻ lạnh, các vấn đề ngoại giao đã gây tổn hại không nhỏ đến lần ra mắt đầu tiên trên trường quốc tế của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại hội nghị ASEAN diễn ra ở Vientiane, Lào.
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Vientiane. (Nguồn: Getty Images) |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy lịch gặp mặt ông Duterte trong ngày 6/9, sau khi nhà lãnh đạo Philippines có lời lẽ không đẹp nhằm vào ông. Trước đó, ông Duterte và ông Obama đã có kế hoạch gặp mặt bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN.
Sau bê bối này, Tổng thống Obama đã gọi ông Duterte là một người "khó đoán".
Mỹ là một trong những đồng minh mạnh nhất của Philippines ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines. Trên hết, 5.990.000 người Philippines đang sống tại Mỹ.
Vì thế, việc khiến nhà lãnh đạo Mỹ mếch lòng không phải là động thái khôn ngoan của ông Duterte.
Không có thời gian tiếp Tổng thư ký Liên hợp quốc
Trước khi bị ông Obama lạnh nhạt, ông Duterte cũng đã từ chối gặp mặt một người đàn ông quyền lực khác: Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
Phát ngôn viên Stephane Dujarric của Liên hợp quốc cho biết đã cố sắp xếp thời gian gặp mặt giữa ông Ban và ông Duterte bên lề Hội nghị ASEAN ở Lào, nhưng "không thỏa thuận được về thời gian".
Ông Duterte cũng bày tỏ rõ ý định từ chối gặp mặt ông Ban Ki-moon, với lý do thời gian không cho phép và lịch trình đã kín.
Reuters sau đó dẫn lời một quan chức Liên hợp quốc giấu tên cho biết "chưa bao giờ" có chuyện một lãnh đạo lại bận đến nỗi không có thời gian gặp Tổng thư ký LHQ.
Ông Duterte đã từng nhiều lần đả kích Liên hợp quốc sau khi tổ chức này chỉ trích chiến trấn áp tội phạm ma túy của ông. Thậm chí ông còn đe dọa sẽ rút khỏi Liên hợp quốc. Tuy nhiên sau đó ông đã rút lại lời đe dọa này.
Sự cảm thông của thế giới
Trước khi bị ông Obama lạnh nhạt, ông Duterte đã chuẩn bị lên đường ra mắt giới lãnh đạo quốc tế với sự cảm thông của cả thế giới ở sau lưng.
Chỉ một tuần trước đó, cuộc tấn công khủng bố ở thành phố quê nhà Davao của ông đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chia buồn đến cho ông Duterte.
Bản thân ông Obama cũng đã có kế hoạch trực tiếp gửi lời chia buồn tới ông Duterte trong cuộc gặp mặt dự kiến diễn ra hôm 6/9. Nhưng điều này không thể diễn ra vì cuộc gặp bị hủy.
Trong bài phát biểu tại thành phố Davao trước khi đến Vientiane, ông Duterte nói: "Những sự kiện gần đây đã cho thấy rằng có những kẻ muốn gieo rắc sự kinh hoàng và tàn phá trong xã hội của chúng ta. Chúng tôi vẫn giữ vững quyết tâm chống lại chủ nghĩa khủng bố ở mọi hình thức và biểu hiện."
Ông Duterte cũng bày tỏ hy vọng "dùng cơ hội gặp mặt với các lãnh đạo ASEAN và các đối tác đối thoại ASEAN để tìm kiếm sự hỗ trợ cho hoạt động giải quyết vấn đề khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan trong khu vực."
Căng thẳng gia tăng
Trước việc ông Obama hủy cuộc gặp với ông Duterte, chuyên gia quan hệ quốc tế Richard Heydarian nhận định: "Sự lạnh nhạt ngoại giao cho thấy rõ ràng những căng thẳng gia tăng trong các mối quan hệ song phương, do lối ăn nói của vị lãnh đạo Philippines và cuộc chiến chống tội phạm không khoan nhượng của ông. Nhưng tôi kỳ vọng hai nước đồng minh này sẽ giải quyết vấn đề ở sau hậu trường."
"Rốt cuộc, các nguyên tắc cơ bản về an ninh song phương và quan hệ kinh tế cần được tiếp tục", ông nói.
|
Tổng thống Philippines Duterte hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Lào (Nguồn: GMA) |
Heydarian cũng cho biết ông Duterte vẫn gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và có thể là cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. "Tôi hy vọng những cuộc gặp mặt này diễn ra suôn sẻ", ông nói.
Về vụ tấn công khủng bố ở Davao, Heydarian cho rằng nó sẽ "định hình lại câu chuyện về Philippines." "Tôi hy vọng ông Duterte sẽ nhận được sự cảm thông lớn hơn từ cộng đồng quốc tế, cũng như nhiều đề nghị hỗ trợ và thảo luận về chống khủng bố," ông nói.
"Như thế, Duterte sẽ không phải giữ thế phòng thủ quá nhiều như trước đây, bởi ông sẽ không cần phải giải thích quá nhiều về tình hình nhân quyền ở đất nước mình".
>>> Xem thêm video về phát ngôn của ông Rodrigo Duterte (Nguồn video Inquirer):
Theo Vietnam Plus