Tổng thống Philippines... không ngại “diệt cả hổ lẫn ruồi”

Google News

Danh sách các nghi phạm của chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy ở Philippines đã được bổ sung thêm 160 quan chức trong hàng ngũ chính quyền đất nước.

Quan chức cao cấp bị “sờ gáy”
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 7/8 đã công bố danh sách gồm có tên của khoảng 160 quan chức, thẩm phán, cảnh sát và thị trưởng đương chức hoặc về hưu bị nghi liên quan đến buôn ma túy. Trong danh sách mà Tổng thống Duterte nêu ra, có 7 thẩm phán, 3 nghị sỹ và 5 quan chức hàm cấp tướng trong lực lượng cảnh sát.
Tong thong Philippines... khong ngai “diet ca ho lan ruoi”
Trong cuộc chiến chống vấn nạn ma túy, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngại “diệt cả hổ lẫn ruồi”. Ảnh Philippine Daily Inquirer
Tổng thống Philippines khẳng định, những quan chức này chính là những người đã “bảo kê” cho các băng đảng buôn ma túy. Ông Duterte nói rằng, đây là những người đã “hủy diệt đất nước”.
Ông Duerte cho biết, việc công khai danh sách những quan chức dính líu đến ma túy nhằm thông báo cho người dân nước này biết được tình hình hiện tại của quốc gia.
Tổng thống Duerte chưa nói rõ những hình thức xử phạt đối với những quan chức này là gì. Trước đó một ngày, ông Duerte đã tuyên bố sẽ theo đuổi cuộc trấn áp tội phạm ma túy đến cùng, và tiếp tục duy trì chính sách “bắn chết” những kẻ buôn bán ma túy.
"Chiến dịch (trấn áp tội phạm ma túy) sẽ kéo dài tới giây phút cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi nếu khi ấy tôi còn sống", ông Duterte nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại thành phố Davao, miền nam Philippines.
Tổng thống Duterte cũng hứa thêm rằng các binh sĩ quân đội và cảnh sát sẽ được đảm bảo không bị truy tố nếu giết người trong khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm ma túy.
Ngày 5/8, đã có 2 quan chức Philippines ở tỉnh Lanao del Sur đã đến đầu thú với cảnh sát và cam kết sẽ hợp tác. Sĩ quan cảnh sát Dela Rosa cho biết, bây giờ 2 người này đã không còn buôn bán ma túy nhưng trước đây họ có dính líu tới các băng đảng. Hai quan chức Philippines ra đầu thú hứa rằng sẽ là những người dẫn đầu cuộc chiến chống ma túy tại các thành phố họ đang quản lý.
Nỗi “khiếp sợ” len lỏi ở Philippines
Theo ước tính, chỉ trong vòng 1 tháng sau khi ông Duterte nhậm chức, hơn 400 đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp tội phạm ma túy của cảnh sát và hơn 4.400 người khác bị bắt giữ trong các chiến dịch truy quét của lực lượng chức năng Philippines.
Mới đây, mạng xã hội Philippines lan truyền một bức ảnh về một người vợ ôm lấy thi thể của chồng mình khóc nức nở giữa đường phố, bên cạnh thi thể là tấm bìa viết nguệch ngoạc mấy dòng chữ “đây là kẻ bán lẻ ma túy”.
Michael Siaron, 29 tuổi, một người đạp xích lô chở khách ở thủ đô Manila, bị bắn chết bởi cảnh sát khi đang trên đường về nhà. Khi chạy đến hiện trường, chị Jennelyn Olaires, 26 tuổi, vợ nạn nhân, đã ngỡ ngàng không tin rằng đấy là sự thật bởi theo chị, có nhiều kẻ còn đáng chết hơn anh.
“Có một người bạn báo cho tôi biết anh Michael bị bắn. Tôi vội vã chạy tới chỗ anh ấy và nhìn thấy cảnh tượng này”, Olaires kể lại. Gia đình Siaron cũng khẳng định anh không tham gia vào việc buôn bán thứ thuốc cấm, dù thỉnh thoảng có dùng ma túy đá.
Gia đình anh Siaron sinh sống ở một khu phố ổ chuột tên là Pasay, nằm ở thủ đô Manila. Nơi đây thường xuyên xảy ra những vụ bạo lực, tranh giành, cướp bóc.
Vụ việc xảy ra với gia đình anh Siaron không phải là hiếm trong thời gian gần đây tại Philippines. Những việc tương tự như vậy xảy ra nhiều lần trong suốt chiến dịch đàn áp tội phạm ma túy mạnh tay của Tổng thống Duterte.
Tờ Philippine Daily Inquirer đã thống kê một bản danh sách mà họ gọi là “Kill list” cho thấy số người chính xác bị thiệt mạng từ ngày ông Duterte lên nhậm chức cho đến ngày 4/8 là 524 người.
Nỗi lo sợ đang bao trùm lên khắp đất nước Philippines trong khi cảnh sát vẫn tiếp tục thực hiện cuộc truy quét mạnh tay đối với các tội phạm ma túy.
Cha Picardar làm việc tại một nhà thờ thành phố Davao cho biết rằng, những tên tội phạm ma túy gần như không có lối thoát, nỗi sợ hãi đang len lỏi khắp đất nước này.
Tổng thống Duterte từng tuyên bố sẽ “giết sạch, quét sạch” tội phạm ma túy trong vòng 6 tháng. Ông nói: “Nếu ai đó đang dính vào ma túy, tôi xin lỗi người đó và tôi cũng xin lỗi cả gia đình anh ta vì chắc chắn anh ta sẽ bị giết. Tôi không hề kiên nhẫn, tôi cũng không trung dung, hoặc các anh giết tôi hoặc tôi sẽ giết những người như các anh”.
Gần 60.000 người nghiện ma túy tự nguyện đầu thú cảnh sát vì khiếp sợ những biện pháp mạnh tay của ông Duterte. Tại đây, họ được tập trung lại, hứa sẽ cai nghiện tử tế, để được thoát được khỏi cái chết.
"Nếu bạn thấy đối tượng nghiện ma túy nào trong khu vực, hãy gọi cho cảnh sát hoặc nếu bạn có súng, hãy tự làm điều đó", Tổng thống Duterte khẳng định.
Gây tranh cãi
Dẫu cho các tổ chức nhân quyền có lên tiếng về các biện pháp mạnh tay của ông Duterte và lo ngại rằng việc trấn áp tội phạm ma túy của ông đã vượt ngoài tầm kiểm soát, Tổng thống Philippines khẳng định ông sẽ không dừng lại cho đến khi đất nước này sạch bóng không còn tội phạm ma túy.
Tổng thống Duterte nhấn mạnh các nhóm nhân quyền không thể trở thành tấm lá chắn che chở tội phạm. Ông kêu gọi những kẻ sử dụng và buôn bán ma túy tự nộp mình cho nhà chức trách nếu không muốn bị săn lùng đến chết.
Động thái mạnh tay của ông Duterte bước đầu khiến tỷ lệ tội phạm ở Philippines sụt giảm. Cảnh sát cho hay họ đã bắt giữ hơn 4.400 người với những cáo buộc liên quan đến buôn bán và sử dụng ma túy. Tỷ lệ tội phạm trên cả nước giảm 13%, từ 52.950 người hồi tháng 5 xuống còn 46.600 người vào tháng 6.
Tổng thống Duterte cũng không ngại động đến cả các quan chức Philippines. Danh sách các nghi phạm trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy đã được bổ sung thêm 160 người trong hàng ngũ chính quyền đất nước.
Bà Leila de Lima, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về công lý và nhân quyền, phản ứng nếu có bằng chứng chống lại những người bị cáo buộc dính líu đến tội phạm ma túy thì nên đưa lên tòa án để phát lệnh bắt giữ. Việc ông Duterte công bố danh tính những người này có thể khiến họ lâm vào nguy hiểm bởi Tổng thống đã cho phép cảnh sát có quyền bắn chết bất cứ ai bị cáo buộc nhưng chống cự lại cảnh sát.
CNN dẫn lời một tổ chức nhân quyền cho biết thêm: “Những lời buộc tội có thể không đúng, họ cần có thủ tục để được kháng án”.
Ramon Casiple, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chính trị và Cải cách Bầu cử Philippines, cho biết ông chia sẻ những mối quan ngại trên nhưng lưu ý rằng còn quá sớm để xác định xem liệu những biện pháp mạnh tay của ông Duterte có hiệu quả hay không. "Hãy cho ông ấy 100 ngày", nhà nghiên cứu Casiple nói.
Chị Olaires, vợ của một nạn nhân từng bị bắn chết trong câu chuyện ở trên, nói: “Chúng tôi chỉ là những con người nhỏ bé. Chúng tôi có thể vô danh đối với các ngài nhưng … xin hãy ngừng việc giết chóc lại".
Theo VOV.VN