Với việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay lưng lại với phần còn lại của thế giới và với tương lai của nhân loại.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: The New Daily |
Điều trớ trêu là với hành động trên, ông Trump cũng gây hại cho các hãng sản xuất nhiên liệu hóa thạch, hàng trăm tập đoàn và các nhà đầu tư lớn, đông đảo những người Cộng hòa và…một nửa số quan chức trong nội các Mỹ.
Về bản chất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến mình thành lập dị và thúc đẩy đà suy giảm của nước Mỹ.
Chưa phải là dấu chấm hết
Do nước Mỹ tạo ra khoảng 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris quả là một đòn nặng giáng vào nỗ lực toàn cầu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo các phân tích, nước Mỹ có thể “đóng góp” 0,5 độ C vào sự nóng lên toàn cầu vào cuối thế kỷ này.
Có thể nói nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,5 độ C là một vấn đề lớn, khi tình trạng khí hậu nóng lên dẫn đến những cơn bão có sức tàn phá cực mạnh, mực nước biển dâng cao và thúc đẩy quá trình tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật vốn đã bị đe dọa nghiêm trọng.
Chỉ có điều, nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris vẫn chưa phải là một dấu chấm hết đối với nhân loại. Các quốc gia khác trên thế giới – trong đó có Trung Quốc, các nước thành viên Liên minh Châu Âu và Ấn Độ - vẫn trong việc hướng tới tương lai năng lượng sạch. Công cuộc bảo vệ khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục trên thế giới, bất chấp sự ngoan cố và thiển cận của một vị tổng thống Mỹ vốn được cho là quyền lực nhất thế giới.
Chỉ làm cho nước Mỹ suy yếu
Với việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông Trump không chỉ quay lưng lại với toàn nhân loại mà còn gây hại cho nước Mỹ.
Nước Mỹ sẽ bị bỏ lại phía sau và về lâu về dài sẽ bị thiệt hại lớn về kinh tế. Việc rút khỏi Mỹ khỏi Hiệp định Paris chỉ làm cho nước Mỹ suy yếu thêm... ngang hàng với Syria và Nicaragua (hai nước không ký kết Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu).
Và những hậu quả về ngoại giao cũng sẽ rất nghiêm trọng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng “Mỹ không còn là một đối tác đáng tin cậy, một phần do lập trường lập dị của Tổng thống Donald Trump về biến đổi khí hậu. May mắn thay, Hiệp định Paris có một "cơ chế nguyện vọng" có tính ràng buộc, đòi hỏi các quốc gia phải xem xét các mục tiêu của mình 5 năm một lần.
Nếu Mỹ vẫn ở lại với Hiệp định Paris, người ta lo ngại rằng “luật sư bào chữa” Donald Trump và các thân chủ nhiên liệu hóa thạch của ông sẽ ra sức phá hoại những nguyện vọng như vậy.
Một khi không có nước Mỹ, các quốc gia khác sẽ được tự do nâng cao thêm các mục tiêu của họ mà không sợ Washington kéo tụt xuống. Trong bối cảnh này, một số người cho rằng Hiệp định Paris sẽ được thực thi mạnh hơn và hiệu quả hơn, khi không có sự góp mặt của nước Mỹ.
Minh Châu (Theo DW)