Đó là nhận định của nhà phân tích Andrew Wachtel - Chủ tịch của Đại học Mỹ ở Trung Á – trong bài viết đăng trên trang mạng Japan Times ngày 13/3/2017.
|
Tổng thống Erdogan đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào “vòng xoáy tử thần”. Ảnh: Berlingske |
Theo nhà phân tích Andrew Wachtel, ngành du lịch – vốn chiếm hơn 10% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ - đang bị chao đảo và đầu tư trực tiếp nước ngoài chững lại đáng kể. Bất ổn chính trị và suy sụp kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tác động qua lại lẫn nhau và tạo ra một "vòng xoáy tử thần" rất khó thoát ra.
Một số nhà quan sát thường đổ lỗi hoàn cảnh khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ là do việc không có khả năng hòa hợp Hồi giáo truyền thống với hiện đại hoá theo xu hướng phương Tây và các yếu tố bên ngoài như xung đột ở Syria.
Thế nhưng, các quyết định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công khủng bố.
Quyết định đầu tiên của Tổng thống Erdogan, được thúc đẩy bởi mong muốn lật đổ chế độ Assad ở Syria, là cho phép các tay súng – trong đó có nhiều tay súng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo - vượt qua biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria tương đối tự do. Ông Erdogan đã không nhận thức được những mối nguy hiểm mà các tay súng nói trên sẽ gây ra cho an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khi nhiều trong số họ tham gia vào các nhóm thánh chiến Hồi giáo vốn chống lại Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt không kém gì chế độ Assad.
Quyết định thứ hai của Tổng thống Erdogan là tái phát động nội chiến với người Kurd ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm đầu, ông Erdogan đã chìa cành ô liu cho người Kurd và ngăn chặn các phần tử chủ chiến. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm 2015, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan đã mất đa số trong nghị viện và buộc ông phải tái phát động cuộc chiến với các nhóm nổi dậy thuộc Đảng Lao động Kurdistan (PKK). Với đường lối này, Tổng thống Erdogan đã giúp AKP giành lại đa số nghị viện trong một cuộc bầu cử vào tháng 11/2015, nhưng lại châm ngòi một cuộc nội chiến triền miên “hao người, tốn của”.
Nhưng quyết định thứ ba của Tổng thống Erdogan lại dẫn đến cuộc đảo chính quân sự vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là quyết định đoạn tuyệt với giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen, người có ảnh hưởng rất lớn đến một số đồng minh quan trọng nhất của Tổng thống Erdogan. Trong 6 năm liền, các tín đồ của giáo sĩ Gullen đã giúp Tổng thống Erdogan lôi kéo được nhiều tướng lĩnh quân đội và cảnh sát - những người vốn trung thành với lý tưởng thế tục và chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải tư tưởng Hồi giáo chính thống. Tuy nhiên, đến năm 2013, Tổng thống Erdogan đã nghi ngờ phe ủng hộ giáo sĩ Gullen âm mưu chống lại ông ta và bắt đầu chiến dịch thanh trừng trấn áp nội bộ.
Cuộc đảo chính quân sự bất thành trong tháng 7/2016 đã khiến Tổng thống Erdogan tiến hành chiến dịch thanh trừng qui mô lớn trong quân đội và lực lượng an ninh. Ông Erdogan đã thanh trừng bất cứ ai mà ông nghi là có quan hệ tiềm năng với giáo sĩ Gulen. Với chiến dịch thanh trừng không khoan nhượng này, Tổng thống Erdogan đã làm suy yếu nghiêm trọng sức chiến đấu của cảnh sát và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát chính trị của một cá nhân và không có khả năng đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng mà nước này đang phải đối mặt.
Thậm chí, trong kịch bản tốt nhất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng và không còn có khả năng duy trì vai trò lãnh đạo khu vực trong suốt gần 100 năm qua. Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sụp đổ và dẫn đến việc một số lượng lớn người tị nạn - bao gồm cả công dân Thổ Nhĩ Kỳ lẫn những người tị nạn Syria đông đảo đang nương náu ở nước này – ào ạt đổ vào Tây Âu.
Hiện thời, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một chế độ chuyên quyền bị suy yếu về kinh tế, bị khủng bố tàn phá và không thể tự vệ, chứ nói gì đến việc đảm nhận trọng trách của NATO ở phương nam.
Minh Châu (Theo Japan Times)