Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn thề rằng ông sẽ "làm cho thế giới bị lộn ngược”, nếu không được phép nói chuyện ở Đức.
Sau khi một số thành phố của Đức không cho phép tiến hành biểu tình ủng hộ trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan ngày 5/3 cáo buộc Berlin đã phải dùng đến chiến thuật thời Đức Quốc xã.
|
Tổng thống Erdogan ngày 5/3 cáo buộc Berlin đã phải dùng đến chiến thuật thời Đức Quốc xã. Ảnh: Politico Europe |
Phát biểu tại một cuộc mít tinh của phụ nữ ở Istanbul trước thềm trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vào ngày 16/4 tới, Tổng thống Erdogan nói cách hành xử của chính quyền Đức chẳng khác gì hành động của “Đức Quốc xã trong quá khứ".
Tuy không giải thích sự liên quan giữa việc một số thành phố Đức cấm cư dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ biểu bình ủng hộ trưng cầu dân ý vì lý do an ninh với cách hành xử của Đức Quốc xã, Tổng thống Erdogan chỉ trích Berlin đã hành động một cách phi dân chủ. Ông Erdogan nói Berlin đã thuyết giảng cho Ankara về dân chủ, nhưng lại không cho phép các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ “nói chuyện đó" trên đất Đức.
Leo thang căng thẳng hơn nữa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/3 còn dọa sẽ đến Đức để nói chuyện. Ông Erdogan nói: "Nếu tôi muốn, tôi sẽ đến với Đức. Nếu các người không cho tôi nhập cảnh hoặc không cho tôi nói chuyện, tôi sẽ làm cho toàn bộ thế giới bị lộn ngược”.
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có kế hoạch vận động ở Đức về thay đổi Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Nói với báo “Bild” (Hình ảnh), chính trị gia Julia Klöckner, Phó chủ tịch Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela, phê phán ông Erdogan đã "phản ứng như một đứa trẻ ương bướng” và việc ông này lôi Đức Quốc xã ra so sánh quả là “quá đáng”. Bà Julia Klöckner yêu cầu Tổng thống Erdogan xin lỗi và nói thêm các chính khách thực thụ “không bao giờ nói như thế”.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng nói trên báo “Bild am Sonntag" (Hình ảnh ngày Chủ Nhật) rằng mặc dù Berlin coi trọng tự do ngôn luận, nhưng bất kỳ ai phát biểu ở Đức đều “phải tôn trọng quy tắc của chúng tôi”.
Ông Volker Kauder, trưởng nhóm nghị sĩ CDU/CSU tại Quốc hội Đức, “cực lực phản đối” sự so sánh khập khiễng nói trên của Tổng thống Erdogan.
Phát biểu trên chương trình “Tin tức từ Berlin” của đài truyền hình ARD, ông Volker Kauder nói: "Thật khó tin và không thể chấp nhận việc tổng thống của một thành viên của NATO lại nói về một nước thành viên NATO khác như thế”, đặc biệt là một người như ông Erdogan “vốn có vấn đề nghiêm trọng với pháp quyền”.
Sau hai lần bị hủy nói chuyện trước các cuộc biểu tình, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci có kế hoạch tham dự một cuộc mít tinh trong một khách sạn ở Cologne để huy động sự ủng hộ của người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài cho việc sửa đổi hiến pháp.
Hôm thứ Năm, chính quyền thị trấn Gaggenau ở tây nam nước Đức đã hủy bỏ một cuộc biểu tình dự kiến có phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdağ vì lý do địa kiểm và an ninh. Sau đó, tòa thị chính Gaggenau đã bị đe dọa đánh bom.
Khoảng 1,4 triệu người gốc Thổ ở Đức có đủ điều kiện để tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tổ chsc vào ngày 16/4/2017. Hiện có khoảng 3 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Đức và đây là cộng đồng cư dân lớn nhất ở hải ngoại.
Trong khi đó, chiến dịch vận động trưng cầu dân ý ủng hộ sửa đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã vấp phải sự phản đối và cấm đoán ở các nước Châu Âu khác.
Ngày 5/3, Thủ tướng Áo Christian Kern kêu gọi một lệnh cấm toàn EU đối với chiến dịch vận động trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Hà Lan phê phán cuộc biểu tình mà người Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tổ chức ở Rotterdam, nhưng không cấm. Cùng ngày, chính khách cực hữu Geert Wilders kêu gọi cấm các quan chức Ankara đến Hà Lan cho đến khi hoàn tất cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Minh Châu (Theo DW)