Đó là nhận định của nhà văn, nhà báo điều tra Andre Vltchek trong bài viết dưới đây đăng trên trang mạng Russia Today ngày 7/12/2016.
Theo nhà báo điều tra Andre Vltchek, Tổng thống Duterte nhận được sự ủng hộ đáng kinh ngạc của dân chúng Philippines . Ước tính, có trên 70% dân số Philippines ủng hộ ông.
|
Tổng thống Rodrigo Duterte nhận được sự ủng hộ đáng kinh ngạc của trên 70% dân chúng Philippines. Ảnh Al Jazeera |
Nhận xét về Tổng thống Duterte, Giáo sư Roland Simbulan của Đại học Philippines ở Manila nói: "Ông Duterte đọc rất nhiều. Ông chịu ảnh hưởng lớn từ Hugo Chavez. Ông ấy lên án mạnh mẽ chủ nghĩa đế quốc ở Afghanistan, Iraq, Syria và dĩ nhiên ở cả Philippines ..."
Theo giáo sư Simbulan, ông Duterte đả kích tất cả mọi thứ đến từ đế quốc phương Tây. Ông đe dọa sẽ đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ và đưa Philippines gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga. Để khẳng định lời đe dọa, ông đã ra lệnh hủy bỏ tất cả các cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines.
Tổng thống Duterte đồng cảm với người nghèo, ban hành và cải thiện các chương trình xã hội. Ông đang dần thả tù nhân chính trị, tích cực hòa đàm với du kích cánh tả và dân quân Hồi giáo trong khi tìm cách hòa hoãn với Trung Quốc.
Giáo sư Simbulan giải thích: "Nếu Tổng thống Duterte đi quá xa và quá nhanh, ông sẽ bị quân đội lật đổ. Ông ấy là một ‘kẻ ngoại đạo’ (trên chính trường Philippines). Cảnh sát và quân đội vẫn ngấm ngầm chống lại ông. Hầu hết các tướng lĩnh hàng đầu được đào tạo ở Mỹ. Ông đã cố gắng lôi kéo họ, thăm các doanh trại quân đội trên khắp đất nước. Duterte giải thích vì sao ông phóng thích tù nhân chính trị và lý do ông mời một số nhân vật cánh tả tham gia chính phủ”.
"Chính sách chống chủ nghĩa đế quốc của ông Duterte là có thật và có từ lâu. Khi còn là thị trưởng Davao, ông Duterte đã cấm tiến hành tất cả các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Philippines ở thành phố này. Người Mỹ đã tìm cách đàm phán và đề nghị chi rất nhiều tiền. Họ muốn xây dựng một căn cứ cho máy bay không người lái lớn ở Mindanao, nhưng ông Duterte đã kiên quyết từ chối. Tính cách cố hữu của Tổng thống Duterte cho thấy: nếu có những khác biệt không thể hòa giải, ông ấy sẽ đứng về phía cánh tả”.
Các phương tiện truyền thông ở nước ngoài và ở trong nước liên tục đả kích “chiến dịch chống tội phạm, ma túy và tham nhũng” của Tổng thống Duterte và việc ông quyết định cho chôn cất cựu Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos tại “Nghĩa trang anh hùng”.
Về cáo buộc “giết người không xét xử”, thực tế cho thấy số người bị thiệt mạng ở Philippines đang ngày càng giảm đi. Trước đây, dưới thời Tổng thống Aquino, những người bị sát hại chủ yếu là nông dân nghèo, người dân bản địa, người nghèo đô thị và những người đấu tranh cho quyền cơ bản của con người. Dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo, các công ty khai thác mỏ nước ngoài thậm chí còn được phép giết những người biểu tình phản đối.
Việc chôn cất cựu Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos ở “Nghĩa trang Anh hùng” là một tính toán sai lầm của ông Duterte do “quan hệ cá nhân” và tính thực dụng. Ứng viên tổng thống Duterte đã hứa điều này với gia đình Marcos trong khi tranh cử. Tuy không chấp nhận một thành viên trong gia tộc Marcos liên danh tranh cử Phó Tổng thống Philippines, nhưng ứng viên tổng thống Duterte cần đến lá phiếu ủng hộ của những người trung thành với gia tộc Marcos.
Tiến sĩ Reynaldo Ileto, một nhà sử học hàng đầu của Philippines, nói: "Cha của ông Duterte từng là một thứ trưởng trong chính quyền Marcos , nhưng mẹ ông là một người chống đối chế độ độc tài này. Mẹ của ông Duterte đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong phong trào biểu tình chống Marcos. Bà ấy không hề biết sợ và đã có ảnh hưởng lớn đến con trai”.
"Ông Duterte xuất thân từ miền Nam Philippines. Ông luôn chống chủ nghĩa đế quốc và bảo vệ dân nghèo. Giới thượng lưu ở Manila ghét Duterte vì ông hay ăn nói bốp chát, không hề kiêng nể bất kỳ ai. Nhưng ông ấy gần gũi với dân chúng và nói thứ ngôn ngữ dân dã của họ”.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Rodrigo Duterte bị lật đổ hoặc bị giết vì có quá nhiều kẻ thù?
Theo tác giả bài viết Andre Vltchek, tình hình Philippines sẽ bùng nổ, thậm chí có thể xảy ra nội chiến, và dân chúng ở Mindanao sẽ đứng trên tuyến đầu.
Minh Châu (Theo RT)