Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu đã vấp phải sự chỉ trích của các doanh nghiệp lớn, trong đó có những gã khổng lồ nhiên liệu hóa thạch Exxon Mobil và Conoco Phillips.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhầm to khi hạ thấp tác hại của biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters |
Đối thủ lớn nhất của Tổng thống Donald Trump
Bất kể ai làm ông chủ Nhà Trắng, nước Mỹ luôn kiếm lợi trong việc tạo ra các cơ hội thông qua đổi mới và tự đổi mới. Nước Mỹ không trở thành cường quốc kinh tế thế giới bằng cách bám lấy quá khứ. Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về tự động hóa và công nghệ thông tin, đã phát minh ra thung lũng Silicon và phân phối máy tính cá nhân và internet.
Và đó chính là đối thủ lớn nhất của Tổng thống Donald Trump.
Các doanh nghiệp Mỹ đã đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, có tới 880.000 công dân Mỹ làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và 2,2 triệu người khác được sử dụng trong các khâu thiết kế, lắp đặt và chế tạo thiết bị khai thác nguồn năng lượng sạch này.
Ngoài việc không thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính, sức hấp dẫn của công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo là nguyên liệu đầu vào miễn phí. Người ta không phải trả tiền mua ánh nắng Mặt trời và cả sức gió nữa. Đó là lý do tại sao các chính phủ tiền nhiệm dành các khoản trợ cấp để kích thích ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong những năm gần đây, do được sản xuất đại trà, chi phí sản xuất các tấm pin mặt trời đã giảm mạnh và làm tăng đáng kể khả năng cạnh tranh của các nguồn năng lượng tái tạo.
Xung đột với các “ngôi sao đang lên” trong nền kinh tế Mỹ
Việc Tổng thống Donald Trump muốn hồi sinh ngành công nghiệp than của Mỹ đã khiến ông xung đột lợi ích với những “ngôi sao đang lên” của ngành nhiên liệu hóa thạch, khí tự nhiên hóa lỏng Hoa Kỳ.
Thật không may cho ông Trump, việc khí đốt cạnh tranh với than đá là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt giảm của ngành công nghiệp khai thác than của Mỹ.
Các công nghệ khai thác mới như fracking đã làm thay đổi động lực năng lượng toàn cầu. Công nghệ này đã biến nước Mỹ từ chỗ phụ thuộc vào dầu lửa OPEC và các nước sản xuất dầu ở Trung Đông thành một nước không chỉ “tự cung tự cấp năng lượng” mà còn là một nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn trên thế giới.
Khí tự nhiên chính là một giải pháp thay thế rẻ hơn và sạch hơn cho người Mỹ. Ngành khai thác than bị lụn bại vì kinh tế Mỹ đã chuyển sang chống lại nó.
Trước thời chính quyền ông Obama, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than chiếm hơn một nửa số nhà máy điện của Mỹ. Con số này đã giảm xuống khoảng 30%, sau khi đóng cửa khoảng 400 nhà máy phát điện chạy than và được thay thế bằng các nhà máy điện chạy bằng khi đốt rẻ hơn.
Trong những năm 1970, ngành khai thác than đã sử dụng 250.000 lao động Mỹ. Đến năm 2015, chưa đầy 100.000 lao động được sử dụng trong các mỏ than ở nước Mỹ.
Trên thực tế, hầu hết các công việc mà ngành than ở Mỹ bị mất là kết quả của công nghệ khai thác than được cải thiện. Đà đi xuống của ngành than đã được đẩy nhanh trong những năm gần đây do khả năng cạnh tranh gia tăng của khí đốt và năng lượng tái tạo. Điều này đã dẫn đến sự sụp đổ của giá than và khiến nhiều thợ mỏ bị thất nghiệp.
“Chi phí ẩn” của ngành than
Có những “chi phí ẩn” khác mà Tổng thống Donald Trump đã “nhắm mắt bỏ qua” khi quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hầu hết những “chi phí ẩn” này lại liên quan đến sức khoẻ của người Mỹ.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, kế hoạch năng lượng sạch sẽ giúp ngăn ngừa khoảng 3.600 trường hợp tử vong sớm, 1.700 trường hợp nhồi máu cơ tim, 90.000 trường hợp hen suyễn ở trẻ em và 300.000 ngày nghỉ việc hoặc nghỉ học mỗi năm ở Hoa Kỳ.
Với việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổng thống Donald Trump đã chuyển giao quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu cho Trung Quốc và tự đặt mình vào “lề trái của lịch sử”, xung đột với các thế lực thị trường tự do cũng như các tập đoàn hùng mạnh của nước Mỹ.
Minh Châu (Theo ABC News)