Những đe dọa của Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt Thỏa thuận hạt nhân Iran đang làm giảm sút lòng tin vào Washington và làm suy yếu khả năng lãnh đạo thế giới tự do của nước Mỹ trong suốt 70 năm qua.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: CNN.com |
Ông Trump đã xóa sổ nhiều thành tựu của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Ông đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để Trung Quốc có thể tự do hơn trong việc thiết lập các quy tắc thương mại ở Châu Á; từ bỏ Hiệp định Paris về vấn đề biến đổi và gieo rắc nghi ngờ về cam kết của ông đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Bây giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đe dọa phá hoại Thỏa thuận hạt nhân Iran đã được các cường quốc ký kết vào năm 2015, trong đó áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tổng thống Trump đã ngụ ý rằng tháng tới ông sẽ không xác nhận việc Iran tuân thủ các cam kết của nước này, mặc dù người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ nói rằng Tehran đã thực hiện cam kết. Quá trình chứng nhận sẽ kéo dài 90 ngày một lần và việc không xác nhận có thể dẫn đến việc áp dụng lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Có lẽ hậu quả trực tiếp nhất của việc đàm phán lại Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến cho việc Tổng thống Trump đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thậm chí trở nên bất khả thi.
Một sự lựa chọn thiếu thận trọng đối với Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng sẽ giải tỏa cho Tehran nối lại các hoạt động hạt nhân và là một cái tát đối với các cường quốc chủ chốt (Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) đã làm việc với Mỹ và Iran trong hai năm thương lượng, thực thi thỏa thuận. Các quốc gia này hiện đang sốt sắng thuyết phục Tổng thống Donald Trump tuân thủ cam kết của Mỹ.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cơ quan đang giám sát chương trình hạt nhân 24/24 tiếng đồng hồ và 7 ngày trong một tuần, đã nhiều lần khẳng định sự tuân thủ thỏa thuận của Iran.
Một câu hỏi chưa được trả lời là liệu Mỹ có vi phạm luật pháp quốc tế hay không nếu áp dụng các biện pháp chế tài đối với Tehran mà không có lý do chính đáng hoặc phá hoại Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thỏa thuận hạt nhân Iran là một cam kết chính trị không ràng buộc về mặt pháp lý, mặc dù một số chuyên gia cho rằng Mỹ có nghĩa vụ tuân thủ vì thoả thuận này được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi các vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, bất kể của đảng Cộng hòa hay Dân chủ, thường theo đuổi các chính sách đối nội khác nhau, nhưng nhìn chung không có khác biệt rõ rệt về chính sách đối ngoại.
Nếu bác bỏ những cam kết trước đây mà không có lý do rõ ràng, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ bắt đầu tự hỏi liệu người kế nhiệm Tổng thống Donald Trump có đối xử với các “giao dịch” của ông một cách tương tự như cách ông đang đối xử với các vị tổng thống tiền nhiệm.
Lập trường cứng rắn đối với Iran chỉ là một phần của chính sách đối ngoại không liên tục và không nhất quán mà Tổng thống Donald Trump đã miêu tả trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
ÔngTrump đã đề cao "chủ quyền" như nguyên tắc chỉ đạo đối với các mối quan hệ quốc tế, nhưng lại sử dụng nó để can thiệp vào công việc nội bộ của Iran, Triều Tiên và Venezuela.
Theo tiêu chuẩn mà Tổng thống Donald Trump đang thiết lập để đảo ngược chính sách đối ngoại, tổng thống kế nhiệm có thể lật đổ những quyết định mà ông đã ban hành. Tuy nhiên, thiệt hại đối với Mỹ trên cương vị một đối tác đáng tin cậy sẽ không dễ gì bù đắp nổi.
Minh Châu (Theo The New York Times)