Toan tính của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Bán đảo Triều Tiên được coi là con bài chiến lược để Mỹ thể hiện sức mạnh và sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên
Những động thái quân sự gần đây tại Đông Bắc Á càng chứng tỏ khu vực này có vị trí đặc biệt trong chiến lược của Mỹ. Theo các chuyên gia phân tích chính trị thế giới, sở dĩ Mỹ ngày càng can thiệp mạnh mẽ vào khu vực này bởi một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, can dự vào tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ giúp Mỹ duy trì, phát huy và khống chế sâu hơn toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Mỹ luôn hiện diện ở nửa phía Nam của bán đảo thông qua việc thành lập các liên minh quân sự gồm: Liên minh Mỹ - Hàn Quốc, Liên minh Mỹ - Nhật. Với các liên minh quân sự này, Mỹ từng bước hình thành tam giác chiến lược để kiềm chế Nga, Trung Quốc, từ đó tạo đòn bẩy để thâm nhập sâu hơn đối với khu vực Đông Nam Á. Mỹ luôn có ý đồ xây dựng hệ thống an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Mỹ giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu tìm mọi cách để đưa Triều Tiên vào “quỹ đạo chiến lược” của mình, biến bán đảo Triều Tiên thành căn cứ chiến lược phía Tây kiềm chế Trung Quốc, phòng ngừa Nga về phía Bắc. 
Toan tinh cua My doi voi ban dao Trieu Tien
 Phạm vi tấn công các loại tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: DailyExpress.uk
Thứ hai, ngăn chặn tiến trình thống nhất hai miền Triều Tiên thông qua biện pháp gây bất ổn để khẳng định vị trí lãnh đạo khu vực Đông Bắc Á. Với vị thế của mình, Mỹ có liên quan trực tiếp tới vấn đề thống nhất của Triều Tiên. Từ trước, Mỹ đã tìm mọi cách để ngăn cản quá trình tái thống nhất bán đảo Triều Tiên và đến nay mặc dù Mỹ luôn lên tiếng ủng hộ hai miền hòa hợp thống nhất song lại không muốn quá trình đó diễn ra nhanh chóng mà muốn duy trì nó ở trạng thái “bất ổn định” để có cớ can thiệp. Với Mỹ, một khi Triều Tiên thống nhất, Mỹ sẽ khó có cơ sở để duy trì sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại Đông Bắc Á và một khi bán đảo Triều Tiên thống nhất, rất có thể sẽ xuất hiện một cường quốc hạt nhân tại đây thách thức quyền lực và đe dọa lợi ích của Mỹ.  Vì thế, suốt từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, chính sách của Mỹ với Triều Tiên luôn ở thái độ thù địch, trước hết là để cản trở sự phát triển của xã hội chủ nghĩa ở đất nước này cũng như cản trở quá trình tái thống nhất dân tộc Triều Tiên.
Thứ ba, đối phó với Triều Tiên nằm trong mục tiêu chiến lược của Mỹ nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Hiện nay, cùng với Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Lào.... Triều Tiên  là một trong số ít quốc gia trên thế giới đi theo mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa. Mỹ vẫn luôn lo ngại các nước xã hội chủ nghĩa thành công trong việc điều chỉnh chiến lược phát triển, lo ngại khả năng nước Nga phục hồi sức mạnh và lo ngại các xu thế dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới. Đây là lí do khiến Mỹ duy trì tư tưởng thù địch, ý định “xóa sổ” với các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt chú trọng tới thành phần “bất hảo” là Triều Tiên. 
Toan tinh cua My doi voi ban dao Trieu Tien-Hinh-2
Vị trí cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: belfasttelegraph.com.uk 
Thứ tư, Triều Tiên và Iraq là điểm đầu và điểm cuối của vòng cung chiến lược trải dài từ bán đảo Triều Tiên tới Tây Á. Đây là vòng cung chiến lược với các điểm nối là Đông Á, eo biển Đài Loan, eo biển Malaca, Đông Nam Á, Nam Á. Vòng cung này án ngữ nhiều tuyến đường thủy và eo biển thương mại quan trọng bậc nhất thế giới, luôn là vùng tranh chấp ảnh hưởng của các nước lớn từ trước đến nay. Chính vì vậy, bằng mọi biện pháp, Mỹ phải đứng chân bằng được ở hai điểm đầu nút này. Do đó, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên luôn trở thành cái cớ để Mỹ triển khai sự hiện diện quân sự, chính trị của mình tại khu vực.
Lam Ngọc