Trong số những kẻ thánh chiến sẽ hồi hương này, “Tiểu vương” Bahrumsyah, có biệt danh Abu Muhammad al-Indonesiy, là kẻ nguy hiểm nhất.
|
Bahrumsyah (giữa) được thủ lĩnh IS al-Baghdadi bổ nhiệm làm “Tiểu vương” của Katibah Nusantara. Ảnh Pos Kupang - Tribunnews.com |
Đó là nhận định của nhà phân tích cao cấp Jasminder Singh của Trung tâm Quốc tế về bạo lực chính trị và nghiên cứu khủng bố (ICPVTR) trực thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, trong bài viết đăng trên trang mạng TODAYonline ngày 9/12/2016.
Theo nhà phân tích Jasminder Singh, với sự tan rã của nhóm khủng bố khu vực Jemaah Islamiyyah (JI), Bahrumsyah đã nổi lên trở thành thủ lĩnh thánh chiến quan trọng của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Đông Nam Á. Bahrumsyah đã xuất hiện ở Syria vào năm 2014, trên cương bị chỉ huy của các phần tử thánh chiến Đông Nam Á chiến đấu dưới cờ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS).
Bahrumsyah sinh ra tại Bogor, Tây Java, vào năm 1984. Biệt danh Abu Muhammad al-Indonesiy là một cái tên mượn từ con trai.
Bahrumsyah có ba vợ và bốn đứa con. Một trong những người vợ của tên này là quả phụ của một phần tử thánh chiến bị lực lượng chống khủng bố Densus 88 của Cảnh sát Indonesia bắn chết.
Bahrumsyah từng theo học tại Đại học Hồi giáo Nhà nước ở Ciputat, Nam Jakarta, năm 2004 và cũng là một chuyên gia võ thuật, thông thạo cả võ Indonesia (silat) lẫn võ Tàu (kung fu).
Lý do khiến Bahrumsyah tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq
Có hai lý do khiến Bahrumsyah tham gia thánh chiến ở Syria và Iraq:
Thứ nhất là do các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Indonesia đã thỏa thuận trong tháng 12/2011 ở Cianjur, Tây Java, về việc các lực lượng này sẽ không tiến hành thánh chiến vũ trang bạo lực ở Indonesia trong thời gian đó. Điều này là do sự phản tác dụng của các hoạt động bạo lực của JI, dẫn đến nhiều thương vong ở Indonesia và phần lớn các thủ lĩnh thánh chiến của JI bị cảnh sát bắt giữ.
Các phần tử Hồi giáo cực đoan cấp cơ sở không hài lòng với quyết định nói trên, khi chúng muốn hành động chống lại chính phủ Indonesia và giết chết những kẻ bội giáo.
Yếu tố thứ hai là do nhận thức đây là thời điểm thích hợp để tiến hành thánh chiến ở Syria và Iraq nhân danh Nhà nước Hồi giáo (IS) do “Quốc vương” Abu Bakar al-Baghdadi lãnh đạo. Việc thiết lập một Caliphate Hồi giáo (Vương quốc Hồi giáo) được coi là để bảo vệ đức tin Hồi giáo và những người Sunni bị áp bức ở Iraq, Syria.
Hai yếu tố này đã đóng một vai trò quan trọng khiến Bahrumsyah đến Syria tham gia thánh chiến.
Bahrumsyah được “Quốc vương” al-Baghdadi bổ nhiệm làm “Tiểu vương” của Katibah Nusantara. Đơn vị này được thành lập tại Hasakah (Syria) và đã tham gia nhiều hoạt động chiến đấu khác nhau, huấn luyện quân sự, học sử dụng các loại vũ khí tinh vi, sản xuất các thiết bị nổ, bắn tỉa và tuyên truyền ý thức hệ. Bahrumsyah cũng tham gia công tác tuyên truyền và tuyển dụng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và kêu gọi công dân Indonesia tham gia IS. Bahrumsyah đã xuất hiện trong 3 video tuyên truyền. Video đầu tiên được phát hành hồi tháng 8/2014.
Chiến trường Đông Nam Á
Nếu cái gọi là Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại ở Iraq và Syria, nhiều tay súng thánh chiến người Indonexia sẽ trở về nước hay đến miền nam Philippines. Hơn 300 tay súng thánh chiến Indonesia được cho là đã từ Iraq và Syria trở về nước. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Indonesia và khu vực Đông Nam Á vì các tay súng nói trên là những kẻ cực đoan, đã được tôi luyện trong chiến tranh.
Hiểm họa này sẽ còn nghiêm trọng hơn, nếu thủ lĩnh tối cao IS al-Baghdadi bổ nhiệm đám chỉ huy thánh chiến như Bahrumsyah phụ trách thánh chiến ở Đông Nam Á. Việc Bahrumsyah phối hợp với với Isnilon Hapilon – “Tiểu vương” IS ở Philippines - sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh ổn định ở khu vực Đông Nam Á.
Khi trở về nước, các phần tử thánh chiến dày dạn kinh nghiệm trận mạc ở chiến trường Syria và Iraq sẽ là những nhân tố “thay đổi cuộc chơi” ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia và Philippines.
Minh Châu (Theo TODAYonline)