Người tiền nhiệm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là Benigno Aquino III đã kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để phản đối sự hiện diện bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và kết quả là phán quyết sau đó của Tòa Trọng tài đã gây bất lợi cho Trung Quốc.
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh Pakistan Defence |
Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền vào tháng 6 vừa qua,
Tổng thống Duterte đã công khai chế nhạo Mỹ, chọn Trung Quốc là nước đầu tiên ngoài khối ASEAN tới thăm, tuyên bố rằng sẽ mở lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh liên quan đến vùng biển tranh chấp. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Mỹ sẽ mất đi một đồng minh có hiệp ước lâu đời và liệu những đối tác, bạn bè khác của Mỹ có làm điều tương tự hay không?
Giáo sư Khoa học Chính trị Zhang Baohui tại Đại học Lingnan (Hong Kong, Trung Quốc) bình luận trên tờ Chính sách Đối ngoại (Mỹ) rằng, chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte đã gây sự chú ý trên toàn thế giới, vì tầm ảnh hưởng mang tính thay đổi tiềm tàng không chỉ trong mối quan hệ Trung Quốc-Philippines mà còn về thế cân bằng rộng lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện nay, rất khó để có thể dự báo liệu các quốc gia khác có thể giống Philippines, tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc hay không, nhưng có thể nói về dài hạn, đây là một chỉ dấu không hay đối với Washington cả về mặt cán cân quyền lực và cán cân ảnh hưởng trong khu vực.
Để duy trì cán cân có lợi trong khu vực, Mỹ không chỉ đề ra chiến lược tái cân bằng, mà còn hối thúc các đồng minh, đối tác và bạn bè của mình tăng cường những biện pháp cân bằng của chính họ trong đối trọng với Trung Quốc.
Đối với vế thứ 2, Mỹ cần một câu chuyện để tô vẽ Trung Quốc như một kẻ gây hấn. Quan trọng hơn, câu chuyện này cần có một “nạn nhân” từ chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc để nhấn mạnh nhu cầu của các quốc gia trong khu vực nhằm tăng cường sự phòng thủ của họ cũng như tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ.
“Sự xoay trục sang Trung Quốc” của ông Duterte về cơ bản làm xói mòn câu chuyện trên. Ông Duterte muốn cho thấy rằng, thay vì cân bằng Trung Quốc, phát triển mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh với kết quả hai bên cùng thắng là một cách tốt hơn nhằm giải quyết những vấn đề an ninh trong khu vực. Về cơ bản, ông đang ủng hộ một giải pháp thay thế đối với “bài toán Trung Quốc”.
Ông Duterte đã nêu rõ rằng chỉ có Trung Quốc mới “có những nguồn lực” để giúp Philippines đạt được sự hiện đại hóa kinh tế thực chất. Thực tế, danh sách mong muốn của ông bao gồm việc Trung Quốc xây dựng các đường tàu và cải thiện cơ sở hạ tầng ở Philippines. Ông cũng muốn tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh nhằm thu được những lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.
Điều này có nghĩa rằng việc xoay trục sang Trung Quốc của ông Duterte được thúc đẩy một phần bởi các khả năng vật chất ngày càng tăng của Trung Quốc. Richard Heydarian, tác giả cuốn sách “Chiến trường mới của châu Á: Mỹ, Trung Quốc và cuộc cạnh tranh vì Tây Thái Bình Dương” cũng cho rằng, cho đến nay, với tất cả các dấu hiệu, những gì chúng ta đang chứng kiến là một sự hiệu chỉnh lại chiến lược, không phải sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách đối ngoại của Philippines.
Tóm lại, chính quyền Duterte có thể sẽ tìm cách cân bằng giữa hai cường quốc lớn, chứ không phải đứng về bên này để chống lại bên kia. Có lẽ sắp tới, Philippines sẽ đề nghị xem xét lại một số thỏa thuận trong chương trình hợp tác với Mỹ để được nhận thêm viện trợ, trong khi hợp tác với Trung Quốc chỉ vì mục đích kinh tế.
Theo Công Thuận/Báo Tin Tức