Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cấp cao chính phủ nước ta đã rời Hà Nội sáng sớm 16/5 theo giờ Việt Nam, lên đường thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ đối thoại ASEAN-Nga.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 16 đến ngày 18/5. Ảnh vov.vn |
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ đối thoại ASEAN diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 16 - 20/5/2016. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quôc hội Nguyên Đức Hải.
Tháp tùng Thủ tướng và đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyên Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Giáo sư - Viện sĩ, Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga Đào Trọng Thi; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc- và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng.
Theo Đài Sputnik, các hoạt động chính trong chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bao gồm hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thảo luận tại Moscow về khu vực thương mại tự do (FTA) giữa EAEC và Việt Nam cũng như các dự án trong ngành điện hạt nhân, dầu khí và nông nghiệp. Một loạt văn kiện hợp tác song phương sẽ được ký sau cuộc hội đàm này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm một số cơ sở kinh tế của Nga và Việt Nam tại Nga như Trung tâm văn hóa thương mại Hà Nội-Moscow; dự lễ động thổ dự án của Tập đoàn TH True Milk tại Nga về sản xuất sữa; thăm tập đoàn dầu khí Nga và trồng cây lưu niệm ở Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow.
Sau chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga (từ ngày 18 đến ngày 20/5/2016) tại thành phố Sochi.
Gia tăng các dự án đầu tư Nga-Việt
Thỏa thuận về việc thành lập Khu thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại Nga-Việt.
Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Phát triển Kinh tế Nga Vsevolod Vovchenko thông báo với Đài Sputnik: "Danh mục dự án đầu tư tăng lên ba lần...Hiện thời có tổng cộng có 20 dự án, trong đó 15 dự án là sáng kiến của phía Nga và 5 dự án theo đề xuất của Việt Nam. Thời gian thực thi các dự án là khác nhau, còn tổng khối lượng tổng đầu tư lên đến 10 tỷ USD".
Một phần trong số các dự án nói trên đã được thực thi thành công. Ví dụ, dự án liên doanh Vietsovpetro ở Việt Nam và Rusvietpetro ở Liên bang Nga. Thành công thứ nhất là khai trương kinh doanh mỏ mới Beluga trên thềm lục địa Việt Nam. Thứ hai, trong điều kiện khắc nghiệt của miền cực Bắc phần Châu Âu của Nga, dự kiến trong năm nay sẽ đưa vào hoạt động 26 giếng khoan mới.
Với sự tham gia của công ty Nga Silovye Mashiny, việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú-1 với 2 tổ máy mỗi tổ công suất 600 MW đang được triển khai. Tổ máy điện đầu tiên dự kiến sẽ phát điện vào tháng 10/2018 và tổ máy thứ hai vào tháng 2/2019. Việc đưa nhà máy nhiệt điện Long Phú-1 vào hoạt động sẽ giảm thiểu tình trạng thiếu điện trong mùa khô hạn ở miền nam Việt Nam.
Hai bên đã có kế hoạch xây dựng xí nghiệp liên doanh đóng tàu tại Việt Nam, còn ở Nga là ba doanh nghiệp chung về công nghiệp nhẹ, tổ hợp giao thông-vận tải, trang bị đường sắt và kho lạnh. Hai bên đã kết thúc đàm phán về việc tổ chức lắp ráp xe tải và một số loại xe ô tô chuyên dụng khác của Nga ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện đã có những tiến triển trong đàm phán về việc cung cấp loạt máy bay chở khách phản lực Sukhoi Superjet-100 cho Việt Nam. Dự án xây dựng xí nghiệp sản xuất toa xe đường sắt của Nga tại Việt Nam cũng đã sẵn sàng đi vào thực hiện.
Phía Nga trông đợi những chuyển biến tích cực trong dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Việt Nam đã sẵn sàng tăng khối lượng nông sản, hải sản xuất khẩu sang Nga vì chính lúc này là thời điểm thuận lợi nhất. Nga cũng đã sẵn sàng tạo điều kiện chuyển hướng dòng du khách Nga từ các nước Trung Đông sang Việt Nam.
Tập đoàn TH True Milk triển khai các dự án lớn ở Nga
Tập đoàn sữa TH True milk sản xuất 200.000 tấn sữa/năm, chiếm ¼ thị trường Việt Nam. Trong tương lai, tập đoàn dự định nâng công suất lên đến 500 nghìn tấn/năm.
Trong tương lai gần, Tập đoàn TH True Milk sẽ đầu tư 2 tỷ USD và có thể trở thành một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất tại Liên bang Nga.
Sự xuất hiện của Tập đoàn TH True Milk của Việt Nam tại thị trường Nga là khá nhanh chóng và hiệu quả. Năm ngoái, tập đoàn ký kết thỏa thuận với tỉnh Moscow về việc xây dựng tại diện tích được thuê 9 trang trại, xí nghiệp sữa và nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Đến năm 2020, tổng đàn bò sữa của TH True Milk tại cơ sở ngoại ô Moscow sẽ lên đến 45.000 con và công suất sữa sẽ vượt quá 250.000 tấn/năm.
Cuối tháng Ba, trong chuyến thăm miền trung Việt Nam của Thống đốc tỉnh Kaluga, một thỏa thuận đã được ký kết. Theo đó, Tập đoàn TH True Milk có cơ hội để thực hiện dự án mới quy mô lớn.
Theo thỏa thuận, phía Việt Nam sẽ được khai thác 25 000 ha đất. Đó chỉ là giai đoạn đầu tiên, trong tương lai, tỉnh Kaluga sẵn sàng cho thuê đến 70.000 ha để chăn nuôi bò sữa và sản xuất rau nhà kính. Ban đầu có kế hoạch xây dựng ba trang trại lớn, mỗi trại 5.000 con bò sữa, với tổng vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD.
Sau khi thực hiện các dự án đầu tư ở Kaluga và ngoại ô Moscow, Tập đoàn TH True Milk sẽ trở thành nhà đầu tư lớn không chỉ trong chăn nuôi bò sữa ở Nga. Về mức độ đầu tư, TH True milk sẽ đuổi kịp tập đoàn hàng đầu hiện nay là PetroVietnam vốn hợp tác với Công ty Nga Zarubezhneft lập ra liên doanh Rusvietpetro đang hoạt động ở cực bắc Liên bang Nga.
Minh Châu (Theo Sputnik)