Vào tháng 7/2015 tại Vienna (Áo), sau thời gian đàm phán căng thẳng, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được, Tehran cam kết hạn chế chương trình hạt nhân của họ, đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế nhằm vào quốc gia này.
Cụ thể, Iran cam kết trong vòng 15 năm không làm giàu uranium vượt mức 3,67% và duy trì mức uranium làm giàu ở mức không vượt quá 300kg; không xây dựng thêm các lò phản ứng nước nặng hay tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân.
|
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ hai từ trái sang) vui mừng sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết tại Vienna ngày 14/7/2015. Ảnh Reuters. |
Gần 3 năm sau, tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đột ngột rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn lên Iran.
Mặc dù vậy, Iran khẳng định tiếp tục tuân thủ thỏa thuận, nhấn mạnh rằng các nước tham gia còn lại cần phải hành động để bù đắp tác động tiêu cực từ việc Mỹ rút khỏi JCPOA.
"Tôi hy vọng các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ thực hiện lời hứa và nghĩa vụ của họ nhằm lấp đầy khoảng trống do Mỹ tạo ra sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Nếu không, Iran sẽ giảm các cam kết trong JCPOA", người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran Ali Akbar Salehi nói.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Iran với Mỹ và Anh tiếp tục rơi vào trạng thái căng thẳng với loạt động thái đáp trả lẫn nhau đã đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại vốn đang mong manh của thỏa thuận hạt nhân Iran.
|
Ngoại trưởng Iran Zarif và các nước thuộc Nhóm P5+1 tại lễ ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ảnh: BBC. |
Iran liên tục đưa ra cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu các lợi ích kinh tế của nước này không được đảm bảo như đã hứa.
Hôm 8/7, Iran tuyên bố cấp độ làm giàu uranium của nước này là trên 4,5%, vượt xa ngưỡng cho phép theo thỏa thuận ký kết hồi năm 2015.
Tiếp đến, ngày 15/7, người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi thông báo Tehran có thể ngừng hoàn toàn việc thực thi các điều khoản trong JCPOA, đồng thời quay trở lại tình trạng trước khi ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.
Với hy vọng cứu vãn thỏa thuận giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Iran với Mỹ và phương Tây, ngày 28/7, các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran đã gặp nhau ở Vienna (Áo).
Sau cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi một lần nữa khẳng định Tehran sẽ tiếp tục giảm bớt các cam kết của mình trong JCPOA cho tới khi nào lợi ích của nước này được bảo đảm.
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Iran Ali Akbar Salehi nói rằng nước này sẽ tiếp tục hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak. Đây là một trong các bước để sản xuất đầu đạn hạt nhân.
Mời độc giả xem thêm video: Căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng xung quanh thỏa thuận hạt nhân P5+1 (Nguồn: VTC14)
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước hôm 31/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif một lần tuyên bố Iran sẽ tiếp tục giảm bớt việc thực hiện các cam kết của nước này trong JCPOA, thậm chí có thể rút khỏi thỏa thuận này, trừ khi các đối tác châu Âu có những hành động bảo vệ Iran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
"Trong tình hình hiện nay và nếu châu Âu không có hành động, chúng tôi sẽ thực hiện bước tiếp theo (trong việc giảm bớt các cam kết). Các đối tác châu Âu nên đảm bảo Iran có thể bán dầu và thu lợi nhuận", hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Zarif.
Trên thực tế, Châu Âu vẫn muốn bảo vệ JCPOA, nhưng dường như họ chưa tìm được cách để cân bằng các lợi ích trong vấn đề này. Châu Âu cho rằng nếu Iran tiếp tục vi phạm thỏa thuận thì căng thẳng có thể đẩy lên đến đỉnh điểm và không loại trừ nguy cơ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 sẽ bị đổ vỡ hoàn toàn.
Thiên An (T.H)