Đó là nhận định của nhà báo người Canada Gwynne Dyer ở London, một nhà bình luận và đồng thời là sử gia quân sự.
|
Quan hệ Putin-Erdogan: Từ đối tác biến thành đối thủ?
|
Theo nhà báo Gwynne Dyer,
Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga xâm phạm không phận nước này “17 giây” và các đồng minh NATO công khai ủng hộ Ankara. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Chúng ta đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh NATO này”. Còn Tổng thống Barack Obama gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để đảm bảo rằng Mỹ ủng hộ việc của Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ chủ quyền. Nhưng sau lưng, hai ông này chắc chắn ngầm nguyền rủa ông Erdogan.
Tổng thống Erdogan muốn bắn hạ một máy bay của Nga
Giả sử dữ liệu radar của Thổ Nhĩ Kỳ là đáng tin cậy, thì hai chiến đấu cơ Su-24 của Nga chỉ vượt qua đáy của một dải đất rất hẹp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đâm sâu vào lãnh thổ Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Trong bất cứ trường hợp nào, phi công và máy bay của chúng tôi không hề đe dọa lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ”. Liệu máy bay Nga có thể gây hại gì cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng có 17 giây? Hơn nữa, làm thế nào mà hai chiến đấu cơ F-16 có đủ thời gian để dùng tên lửa không đối không bắn hạ một trong hai máy bay Nga “xâm phạm lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có 17 giây”. Rất khó để thực hiện động tác bắn hạ này, nếu hai chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ không bay vào không phận Syria.
Theo các dữ liệu radar Nga, hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt biên vào lãnh thổ Syria. Và thật lạ lùng, khi một đoàn làm phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ có mặt đúng lúc ở miền bắc Syria để ghi hình vụ máy bay Su-24 của Nga bốc cháy rơi xuống đất. Cần phải lưu ý rằng, chiến đấu cơ Su-24 của Nga rơi trong lãnh thổ Syria và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến 4 cây số.
Có vẻ khá rõ ràng rằng Tổng thống Erdogan muốn bắn hạ một máy bay của Nga và các phi công Thổ Nhĩ Kỳ được lệnh để làm như vậy nếu họ có thể tìm thấy cái cớ nhỏ nhất. Vậy thì , tại sao ông Erdogan lại muốn làm điều đó?
Khó chối tội “đồng lõa với bọn khủng bố”
Tổng thống Nga Vladimir Putin cay đắng nói rằng Erdogan và các đồng nghiệp của ông ta khó chối tội “đồng lõa với bọn khủng bố”. Ông Erdogan đã muốn lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad và ông ta đã mở cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria suốt 4 năm để tuyển dụng và chu cấp cho các nhóm phiến quân Syria, trong đó có nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tổng thống Putin cũng tuyên bố: "Từ lâu, chúng tôi đã ghi lại sự chuyển động của một số lượng lớn các sản phẩm xăng dầu đến Thổ Nhĩ Kỳ từ vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng. Điều này giải thích các khoản tài trợ lớn mà những kẻ khủng bố đang nhận được”.
Buôn bán dầu chợ đen là nguồn doanh thu lớn nhất của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS và gần như tất cả số dầu này đến Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này không thể xảy ra, nếu không có sự thông đồng của Ankara.
Khi Mặt trận Nusra, một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria, tấn công quân đội Assad ở tây bắc Syria mùa xuân năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng chiến tranh điện tử đánh sập hệ thống viễn thông của Quân đội Syria để giúp phiến quân giành chiến thắng.
Tổng thống Erdogan quyết tâm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và không quan tâm đến việc người kế nhiệm ông này có thể là những kẻ cực đoan Hồi giáo. Nhưng ông Erdogan cũng không muốn có một nhà nước mới của người Kurd trên biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một vấn đề đối với ông Erdogan, bởi vì một nhà nước của người Kurd đã tồn tại trong trứng nước. Phôi thai nhà nước này được gọi là Rojava, một lãnh thổ mà người Kurd đang hình thành ở phía bắc Syria, dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, người Kurd ở Syria là đồng minh duy nhất của liên minh do Mỹ cầm đầu chiến đấu có hiệu quả chống IS.
Khi Tổng thống Erdogan cam kết dùng không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến Syria hồi tháng Bảy, ông giải thích với Mỹ rằng đây là một quyết định chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo. Nhưng trong thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tiến hành vài vụ không kích chống IS, trong khi hầu hết số đạn bom đã rơi xuống đầu người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) và người Kurd ở Syria.
Nga phá hỏng kế hoạch Syria của ông Erdogan
Tổng thống Erdogan có hai mục tiêu: thủ tiêu chế độ Assad và để ngăn chặn việc tạo ra một nhà nước mới của người Kurd ở Syria. Ông ta đã đạt được một số tiến bộ trên cả hai mục tiêu. Thế nhưng vào cuối tháng Chín, Nga đã can thiệp quân sự và giúp quân đội Syria tránh khỏi thất bại.
Tệ hơn nữa, chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin hóa ra lại khá thực dụng và thậm chí khá hấp dẫn đối với Mỹ. Ông Putin muốn có một lệnh ngừng bắn ở Syria để có thể tập trung tiêu diệt IS.
Chiến lược này hiện đang dẫn đến tiến bộ trong các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Vienna, nhưng nó lại hoàn toàn bất lợi đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vì nó để cho Assad tiếp tục nắm quyền ở Damascus và mang lại cho người Kurd Syria thời gian để củng cố nhà nước mới của họ.
Vậy làm thế nào để ông Erdogan có thể phá hỏng dự án của Nga?
Để làm điều này, ông Erdogan đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga và qua đó, cố kích động một cuộc đối đầu Nga-NATO.
Minh Châu (Theo Japan Times)