|
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Reuters |
Nhà báo Guller giải thích: "Trước cuộc gặp với Tổng thống Erdogan, Tổng thống Donald Trump đã thông qua quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng cho các đơn vị dân quân người Kurd, có nghĩa là vấn đề này không thể được thảo luận tại cuộc đàm phán với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng lẽ, thay cho chuyến thăm Mỹ, ông Erdogan cần phải lên tiếng phản đối quyết định đó. Hoặc ít nhất thực hiện những bước đi mạnh mẽ, ví dụ, đóng căn cứ Incirlik hoặc tạm ngừng các chuyến bay, ông Erdogan cũng có thể sử dụng Incirlik như con át chủ bài trong cuộc thương lượng nhằm giải quyết tình hình xung quanh các đơn vị dân quân người Kurd. Hơn nữa, trước cuộc gặp này Erdogan đã quả quyết rằng, tại đó ‘sẽ đặt dấu chấm hết chứ không phải dấu phẩy’, nhưng sau cuộc gặp, chính ông Erdogan đã nhấn mạnh: ‘chúng tôi không đặt dấu chấm hết trong quan hệ song phương’. Tức là, cuối cuộc gặp này phải đặt dấu hỏi, chứ không phải dấu phẩy hoặc dấu chấm".
"Trên thực tế, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho các Đơn vị bảo vệ nhân dân, một nhánh của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố. Mỹ cũng cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang đấu tranh chống PKK. Mỹ trang bị vũ khí cho cả hai lực lượng đối đầu nhau trong khu vực. Đây là một vấn đề rất lớn… Trên thực tế, cuộc gặp của (Tổng thống) Erdogan với Tổng thống Mỹ (Donald Trump) kéo dài 20 phút chỉ mang lại kết quả cho bản thân ông. Bức ảnh chụp ông Erdogan đứng cùng với ông Trump cho thấy rằng Mỹ buộc phải chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ vốn gây ra rất nhiều tranh cãi. Về mặt này kết quả cuộc gặp phục vụ lợi ích của ông Erdogan".
Về cuộc gặp thượng đỉnh Erdogan-Trump ngày 18/5, nhà báo Guller nhận xét rằng trong lịch sử quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ kể từ năm 1959, không có một cuộc gặp gỡ nào ngắn như vậy giữa hai nguyên thủ quốc gia.
Ông nói thêm: "Cần phải lưu ý đến thực tế cuộc nói chuyện đã kéo dài 20 phút, trong đó 10 phút là công việc của người phiên dịch, 5 phút được dành cho các vấn đề chung và những chủ đề khác phải được thảo luận tại bữa ăn trưa kiêm làm việc. Nhưng, xin lưu ý rằng, trong buổi ăn trưa phía Mỹ không quá háo hức để làm việc. Mỗi người trong phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt trên bàn những cuốn sổ ghi chép và bên phái đoàn Mỹ chỉ có những chiếc đĩa ăn".
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà khoa học chính trị Serhat Gyuvench nhận xét rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ né tránh thảo luận về một số vấn đề quan trọng:
"Có thể nói rằng, cuộc gặp này thể hiện thái độ thiện chí: sau quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng cho các đơn vị tự vệ người Kurd, Mỹ đã đồng ý cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thường sử dụng phương pháp này trong chính sách đối ngoại".
Bình luận về cuộc gặp kéo dài 20 phút, ông Gyuvench nói: "Rõ ràng, chuyến đi này không có gì hơn là chỉ đến chào xã giao. Nếu thời gian cuộc gặp là một thước đo đánh giá về sự thành công thì cuộc gặp mặt chỉ kéo dài 20 phút đã mang lại kết quả rất ít ỏi".
Minh Châu (Theo Sputnik)