|
Tông thống Nga Putin ở thăm Hà Nội hôm qua trước khi nay sang thăm Seoul.
|
Tổng thống Nga kỳ vọng, một trong những kết quả của chuyến thăm Seoul của ông sẽ bao gồm việc ký kết một biên bản ghi nhớ về dự án “con đường sắt tơ lụa” đầy tham vọng, thống nhất các mạng lưới đường sắt của Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời kết nối chúng với châu Âu thông qua các tuyến đường xuyên Siberia.
Nga đã bắt đầu bước đầu tiên trong dự án hồi tháng 9, khi hoàn thành 54 km đường từ thị trấn biên giới phía đông nam Khasan đến cảng Rajin của Triều Tiên.
Rajin nằm về phía đông bắc xa xôi, trên biên giới của Triều Tiên, Nga và Trung Quốc, cung cấp một cảng nước ấm cho hai láng giềng khổng lồ của Bình Nhưỡng.
Mong muốn của Tổng thống Putin là mở rộng hơn mạng lưới đường sắt thông qua Triều Tiên, xuyên qua biên giới chiến tranh lạnh cuối cùng của thế giới và tất cả các tuyến đường hướng về phía nam cảng Busan của Hàn Quốc.
Theo báo cáo của truyền thông, Nga muốn nắm giữ 36% cổ phần trong dự án, chia cho Hàn Quốc 34% và Triều Tiên 30%.
Chuyên gia Nga về Triều Tiên Andrei Lankov đang giảng dạy tại Đại học Kookmin tại Seoul cho biết, ông "rất hoài nghi" về toàn bộ dự án bởi sự biến động liên tục của quan hệ liên Triều cũng như tham vọng hạt nhân bất biến của Triều Tiên.
"Xét trên khía cạnh kinh tế và thương mại, bản thân dự án đầy triển vọng và hứa hẹn. Nhưng dự án này trị giá hàng tỷ USD và liệu các nhà đầu tư có dám mạo hiểm góp vốn, làm ăn với Triều Tiên khi nước này rất khó lường", ông Lankov nhấn mạnh.
Song song với dự án đường sắt, Tổng thống Nga Putin cũng sẽ thảo luận với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- Hye về các dự án khí đốt và chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Nga là một thành viên của các cuộc đàm phán sáu bên bị đình trệ bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên về chương trình hạt nhân, mà Bình Nhưỡng kiên quyết theo đuổi.
Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang vận động nối lại đối thoại nhưng Seoul và Washington ra yêu sách đòi Bình Nhưỡng trước tiên phải thực hiện những bước tiên quyết để chứng tỏ sự thành tâm của mình về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Bạch Dương (theo CNA)