Thái Lan lo ngại Hiệp ước quân sự Trung Quốc-Campuchia

Google News

(Kiến Thức) - Hiệp ước viện trợ quân sự Trung Quốc-Campuchia được ký kết tuần qua khiến nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan hết sức lo ngại.

 Hiệp ước viện trợ quân sự Trung Quốc-Campuchia được ký kết tại Phnom Penh (Campuchia).

Hiệp ước này được ký kết trong chuyến thăm Phnom Penh, Campuchia của tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, trong đó có việc Trung Quốc sẽ huấn luyện quân đội Campuchia và bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho đất nước này. Chuyến hàng “viện trợ” đầu tiên gồm 12 máy bay trực thăng vũ trang được thực hiện ngay lập tức sau khi hiệp ước này có hiệu lực.

Hiệp ước quân sự Trung Quốc-Campuchia khiến cho nhiều nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, hết sức quan ngại. Chính phủ Campuchia đang tăng cường kêu gọi viện trợ quân sự trong gần 3 năm qua, sau khi Mỹ lệnh cấm mua bán vũ khí cho Campuchia vì phớt lờ vấn đề nhân quyền.

Việc Trung Quốc cung cấp cố vấn quân sự và vũ khí cho Campuchia đang gây ra những mối quan tâm trong khu vực và làm dấy lên nỗi lo ngại về với những động thái quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc.

Thái độ hung hăng của Trung Quốc về các tranh chấp trên Biển Đông vốn đã khiến cho các nước trong khu vực lo ngại. Tại hai hội nghị thượng đỉnh gần đây, Campuchia - với vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2012 - luôn đứng về phía Trung Quốc trong khi các thành viên ASEAN khác đang cố gắng giải quyết tranh chấp biển đảo một cách hòa bình.

Việt Nam, Philippines và hầu hết các nước thành viên ASEAN khác lo ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc từ chối thảo luận đa phương về các tranh chấp lãnh thổ. Tuy không có xung đột với Trung Quốc về biển đảo, tuần trước Thái Lan tuyên bố sẽ thúc đẩy các giải pháp ngoại giao. Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaew cho biết với vai trò là nước điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Thái Lan sẽ cố gắng thúc đẩy đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Trong khi đó, Philippines đã bắt đầu kiện Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Vốn là một nhà đầu tư “khổng lồ” vào ASEAN, Trung Quốc đang gây áp lực tài chính để tiếp tục các mục tiêu quân sự và ngoại giao đối với các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Myanmar.

Hiệp ước huấn luyện và viện trợ quân sự Trung Quốc-Campuchia cũng động chạm trực tiếp đến Thái Lan, bởi giữa hai nước vẫn còn tồn tại vấn đề tranh chấp đền Preah Vihear. Ngoài việc đào tạo và viện trợ quân sự cho Campuchia, Trung Quốc còn đồng ý xây dựng cho quốc gia này tuyến đường sắt dài 404 km từ Preah Vihear tới Koh Kong. Tuyến đường này sẽ chạy gần như song song với đường biên giới Thái Lan-Campuchia và tất cả những động thái nói trên đang khiến Thái Lan vô cùng lo ngại. Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuần trước cho biết rằng, chiến tranh có thể sẽ xảy ra,  dù ông gọi nó là "phương sách cuối cùng".

Phía Thái Lan hy vọng Campuchia sẽ nhận ra việc Trung Quốc viện trợ quân sự đã dấy lên mối lo ngại của các nước láng giềng và muốn Phnom Penh có lời giải thích cũng như cam kết giảm bớt sự căng thẳng đang leo thang trong khu vực.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:

Nguyên Thảo (theo Bangkok Post)