Quân đội Trung Quốc vừa triển khai trái phép 16 tên lửa đất đối không HQ-9 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đối với Bắc Kinh, động thái triển khai các hệ thống tên lửa HQ-9 là một sự đáp trả những thách thức Mỹ và Đông Nam Á đối với tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" của Trung Quốc đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
|
Xe chở tên lửa đất đối không HQ-9 đi qua Quảng trường Thiên An Môn. |
Theo nhà phân tích quân sự người Mỹ James Holmes, việc triển khai tên lửa HQ-9 là cách để Bắc Kinh phô trương sức mạnh của quân đội Trung Quốc trước các đối thủ cạnh tranh ở Châu Á và phương Tây. Cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo Trung Quốc đã triển khai ở đảo Phú Lâm hai hệ thống tên lửa HQ-9, với mỗi hệ thống có 8 quả tên lửa cùng với các hệ thống radar tìm kiếm và kiểm soát hỏa lực. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã xác nhận tin này và lên án Trung Quốc "quân sự hóa" Biển Đông.
Tầm bắn của tên lửa HQ-9 bao trùm hầu hết không phận Hoàng Sa
Việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến HQ-9 trên đảo Phú Lâm rõ ràng gây nguy hiểm cho các “máy bay thù địch” trong một phạm vi khá lớn xung quanh đảo Phú Lâm. Tầm bắn tối đa của HQ-9 là 200 km đồng nghĩa với việc phạm vi bảo vệ của nó sẽ bao trùm một khu vực rộng 48.300 dặm vuông, bao quát hầu hết quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn - nơi khu trục hạm tên lửa USS Curtis Wilbur tiến hành tuần tra tự do hàng hải hồi tháng trước.
HQ-9 là anh em gần gũi với S-300 của Nga, nhưng lại tích hợp sự tinh túy của hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Trung Quốc đã kiếm được một tên lửa Patriot từ Israel sau cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên. Nước này đã dày công nghiên cứu và sử dụng công nghệ Patriot để cải thiện HQ-9 trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.
Nhưng sẽ là một sai lầm nếu nói rằng HQ-9 là hệ thống vũ khí độc nhất được triển khai ở quần đảo Hoàng Sa. Không dừng ở đó, quân đội Trung Quốc có kế hoạch tạo ra một hệ thống phòng thủ dày đặc, tầng tầng lớp lớp để chống lại tàu chiến, máy bay và tên lửa của đối phương.
|
Tên lửa chống hạm "sát thủ tàu sân bay" DF-21D của Trung Quốc được triển khai dọc theo bờ biển có thể tấn công mọi mục tiêu trên Biển Đông.
|
Tên lửa chống hạm của Trung Quốc được triển khai dọc theo bờ biển có thể tấn công mọi mục tiêu trên Biển Đông.
Việc Trung Quốc triển khai các loại tên lửa ở tất cả các đảo như đảo Phú Lâm hay “đảo nhân tạo” Đá Vành Khăn mà nước này bồi đắp trái phép sẽ tạo ra lưới lửa tầng tầng lớp lớp.
Biến Biển Đông thành "vùng cấm qua lại"
Nói cách khác, các loại tàu hoặc máy bay đi vào “vùng cấm” của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều hiểm họa.
Nếu tạo ra được những “vùng cấm”, Bắc Kinh sẽ duy trì được chủ quyền lãnh thổ mà không cần chiến đấu. Về cơ bản, chủ quyền đồng nghĩa với việc kiểm soát vật lý lãnh thổ và không phận trong phạm vi những đường được vẽ trên bản đồ quốc gia. Ưu thế uy vật lý ở Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh áp đặt các quy tắc đối với các tàu thuyền và máy bay đi qua vùng biển và bầu trời trong khu vực. Nó cũng sẽ cho phép Trung Quốc đóng cửa các tuyến đường biển ở Đông Nam Á đối với tàu thuyền vận tải nước ngoài, nếu thấy cần thiết. Qua đó, Trung Quốc biến Biển Đông - một trong các tuyến hàng hải lớn nhất thế giới - thành vùng cấm qua lại.
Để đáp trả thách thức HQ-9 của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh Châu Á phải chứng tỏ họ có thể thực hiện các quyền tự do hàng hải bất chấp sự đe dọa của quân đội Trung Quốc. Các nước này cũng nên suy nghĩ làm thế nào để vô hiệu hóa tên lửa Trung Quốc, nếu điều tồi tệ xảy ra.
Minh Châu (Theo Reuters)