Ngày 18/6, Hải quân Indonesia đã chặn bắt một tàu đánh cá Trung Quốc đánh á trái phép trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia. Người phát ngôn Hải quân Indonesia, Đô đốc Edi Sucipto cho biết, 7 thuyền viên của tàu cá này cũng bị bắt giữ. Đây là vụ việc thứ ba liên quan đến tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở ngoài khơi quần đảo Natuna.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận rằng Hải quân Indonesia đã bắn vào một tàu đánh cá Trung Quốc, khiến một ngư dân bị thương và làm hư hại con tàu. Bắc Kinh nhấn mạnh, tàu cá nước này đang hoạt động trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” (?), đồng thời tố cáo Indonesia "lạm dụng sức mạnh quân sự".
Đáp lại, Indonesia tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp “mạnh tay” đối với những tàu thuyền hoạt động trái phép trong vùng biển nước này.
“Chúng tôi sẽ có những hành động kiên quyết đối với bất kỳ tàu nước ngoài nào xâm phạm lãnh thổ Indonesia”, Đô đốc Sucipto tuyên bố.
|
Một tàu cá Trung Quốc. Ảnh The Diplomat.
|
Đây không phải là lần đầu tiên tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước ngoài. Những năm gần đây, tàu cá Trung Quốc đã ngang nhiên đánh bắt trong các EEZ của các nước khác, một phần là do chính phủ Trung Quốc vẫn khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý mà họ tự vẽ ở Biển Đông.
Hồi tháng 5/2016, Nam Phi đã bắt giữ 3 tàu Trung Quốc và khoảng 100 thuyền viên vì tình nghi câu mực trong EEZ của nước này mà không có giấy phép. Ba con tàu là Fu Yuan Yu 7880, Fu Yang Yu 7881 và Run Da 617 đã câu trộm tổng cộng gần 600 tấn mực, theo Reuters.
“Chúng tôi không thể chấp nhận hành vi vơ vét nguồn tài nguyên biển vốn là một nguồn an ninh thực phẩm của chúng tôi. Chúng tôi cũng đang điều tra những con tàu này”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy Sản Nam Phi Senzeni Zokwana thông báo.
Ba tàu đánh cá nói trên được đăng ký ở Phúc Châu này cũng đã bị bắt quả tang đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hồi tháng 1/2016, tổ chức phi chính phủ Sea Shepherd đã bắt gặp những tàu này hoạt động ở Ấn Độ Dương, phía tây thành phố Perth (Australia).
Được biết, tàu của Trung Quốc còn sử dụng loại lưới cào vốn bị Liên Hợp Quốc cấm sử dụng từ năm 1992, tiêu diệt sinh vật biển biển một cách bừa bãi.
Tổ chức Sea Shepherd cho hay, ngày 23/3, tàu Fu Yuan Yu 076 cũng từng đánh bắt trái phép ở Biển Đông, ngay phía bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cũng trong tháng 3/2016, lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina đã bắn chìm một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của nước này.
Đầu tháng 6/2016, Cảnh sát biển Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc đã bắt đầu khởi động chiến dịch phối hợp đặc biệt nhằm ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển ngoài khơi phía tây Hàn Quốc.
Căng thẳng giữa hai nước này leo thang kể từ khi một sĩ quan bảo vệ bờ biển Hàn Quốc thiệt mạng năm 2011 sau khi bị thuyền viên tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc sát hại.
Cho đến nay, Trung Quốc được xem là “nhà sản xuất” cá lớn nhất thế giới. Thuật ngữ “nhà sản xuất” phản ánh số tấn cá biển mà Trung Quốc đánh bắt.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc năm 2014, Trung Quốc đã đánh bắt 13,9 triệu tấn cá biển và Indonesia đánh bắt được 5,4 triệu tấn. Hiện, dư luận chưa rõ, liệu con số này có tính cả lượng cá mà Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp hay chưa. Được biết, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp khiến công nghiệp thủy hải sản toàn cầu thiệt hại khoảng 23 tỷ USD mỗi năm.
Trong cuốn sách “Chính sách và Luật Thủy sản Trung Quốc và Quốc tế” được xuất bản năm 2005, tác giả Xue Guifang cho rằng có ba yếu tố chính dẫn đến việc kém tuân thủ luật pháp quốc tế về đánh bắt cá, trong đó có yếu tố ngư dân Trung Quốc.
Nhiều ngư dân không biết vùng biển nào được phép đánh bắt cá theo quy định. Ngoài ra, công nghệ yếu kém được trang bị trên các tàu cá Trung Quốc cũng là một nguyên nhân khiến họ không xác định được đúng tọa độ chính xác.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu chính là động cơ kinh tế khiến ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép các vùng biển của nước ngoài. Cuối cùng, tác giả Xue cho rằng các quan chức ngư nghiệp Trung Quốc thiếu kinh nghiệm, năng lực và quyết tâm giám sát ngư dân hoạt động ở các vùng EEZ nước ngoài.
Gary Stokes, Giám đốc của Sea Shepherd Đông Nam Á nhận định, chính phủ Trung Quốc dường như chủ động hơn trong việc hoạch định chính sách đánh bắt cá bất hợp pháp trong những năm gần đây.
“Có thể, Trung Quốc đang chủ ý theo đuổi vấn đề (đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài) này một cách nghiêm túc hoặc ít nhất họ đang khích lệ điều đó”, ông Stokes nhận xét.
Xem thêm video Indonesia cho nổ tung hai tàu cá Thái Lan đánh bắt trái phép (Nguồn video VTV):
Thiên An (Theo Diplomat)