Các chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết, vụ phóng tên lửa lần này có thể không báo hiệu một sự lặp lại những đe dọa tấn công của Bình Nhưỡng như hồi năm 2013. Năm ngoái, Triều Tiên đã có những đe dọa tiến hành tấn công hạt nhân chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Chưa dừng lại ở đó, họ còn tuyên bố rằng, hiệp ước đình chiến hồi năm 1953 hoàn toàn không có hiệu lực.
|
Ảnh minh họa.
|
Ngoài ra, chính quyền nước này còn phóng thử nghiệm tên lửa liên lục địa vào 12/2012. Cho tới tháng 2/2013, vụ thử hạt nhân thứ ba đã được nước này khởi xướng. Những động thái khiêu khích này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận và khiến nhiều nước áp lệnh trừng phạt lên quốc gia này. Ở cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc hồi năm 2013, máy bay ném bom B-52 đã được đưa vào sử dụng. Điều này khiến Triều Tiên phản ứng khá tiêu cực. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm hôm 27/2 của Bình Nhưỡng lại có chút khác biệt.
“Nó giống như một vụ thử nghiệm quân sự thông thường mà thôi. Tôi thấy, vụ phóng này không phải là vấn đề lớn”, chuyên gia chính sách đối ngoại và quân sự ở Viện Brookings Michael O’Hanlon bày tỏ quan điểm.
Vào hôm 27/2, các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ phóng thử 4 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên nhằm phản đối cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ-Hàn. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, 4 tên lửa này đều có tầm bắn 200 Km (có thể là loại KN-02) và được phóng từ bờ biển phía đông của Triều Tiên.
Các nhà quan sát khác lại có ý kiến khác so với ông O’Hanlon. Họ nghĩ, đây đơn giản chỉ là nỗ lực để Triều Tiên “nhắc nhở thế giới và người dân của chính họ rằng, họ có sức mạnh”. Triều Tiên phải mất nhiều năm nữa mới sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp lên tên lửa. Tuy nhiên, nước này lại có tiềm lực khá mạnh về các loại hỏa lực thông thường như tên lửa đạn đạo tầm trung (có thể mang theo thuốc nổ thường bay xa từ vài trăm tới vài nghìn km).
“Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đơn thuần là nỗ lực của họ nhằm thị uy với thế giới và quan trọng hơn là với chính người dân nước họ về sức mạnh của quân đội. Vụ thử này là một một sự phô trương thanh thế, chứ không có ý nghĩa địa chính trị nào ở đây cả”, biên tập viên Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) David Rothkopf cho biết.
Thanh Nga (theo CNN)