Theo một tuyên bố do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi, Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết đang xem xét kỹ lưỡng kế hoạch kế hoạch hành động để “bắn bao trùm”, tấn công đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung Hwasong-12. Theo KCNA, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang rà soát kế hoạch này.
Trong một tuyên bố khác, Bình Nhưỡng đe dọa chiến tranh tổng lực nếu Mỹ "đánh đòn phủ đầu" đối với Triều Tiên.
|
Căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: ABC |
Những lời đe dọa của Triều Tiên được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết đáp trả bằng “hỏa lực và cuồng nộ” nếu Triều Tiên đe dọa Mỹ.
Những đe dọa qua lại giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay nhằm vào Triều Tiên. Hiện chưa rõ lời đe dọa tấn công đảo Guam là lời đáp trả cho tuyên bố của ông Trump hay hành động trừng phạt của Liên hợp quốc.
Đảo Guam là nơi có Căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Guam của Mỹ. Hòn đảo ở Thái Bình Dương này từng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter thời Tổng thống Barack Obama gọi là “trung tâm chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”.
Đảo Guam đang nằm trong kế hoạch mở rộng của Lầu Năm góc cho dù động thái này sẽ không được 160.000 dân trên đảo ủng hộ. Hiện có 6.000 binh sĩ Mỹ tại đảo Guam. Con số này sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.
Vị trí của đảo Guam có vai trò quan trọng với Mỹ. Nó nằm ở giữa Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông – nơi mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với nhiều nước, kể cả đồng minh của Mỹ.
Theo tờ The Atlantic (Mỹ), việc Triều Tiên đe dọa tấn công Guam không chỉ động chạm tới trung tâm lợi ích Mỹ trong khu vực mà còn động tới nỗi bất an trong lòng những người dân Guam vốn không muốn có sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây.
Quan hệ của Guam với Mỹ rất phức tạp. Hòn đảo này là lãnh thổ của Mỹ. Cư dân đảo là công dân Mỹ cho dù họ không thể bỏ phiếu bầu tổng thống trên đảo.
Mối liên hệ của đảo Guam với Mỹ được hình thành từ cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898 khi đảo được chuyển cho Hải quân Mỹ kiểm soát. Hòn đảo này thuộc Mỹ cho tới tháng 12/1941, khi quân Nhật Bản chiếm đóng đảo chỉ hai ngày sau trận Trân Châu Cảng.
Quá trình chiếm đóng của Nhật Bản ba năm khiến 1.000 người Guam thiệt mạng. Năm 1944, Mỹ chiếm lại hòn đảo trong một cuộc chiến đẫm máu với quân Nhật Bản.
Guam từ đó thuộc lãnh thổ Mỹ. Những lời đe dọa tấn công Guam, lần này là từ Triều Tiên, có thể khiến Mỹ buộc phải lặp lại lịch sử đẫm máu đó.
Theo Thùy Dương/Báo Tin Tức