|
Lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình ở Ai Cập vào ngày diễn ra vụ thảm sát kinh hoàng ngày 17/8 ở thánh đường Hồi giáo Al-Fateh.
|
Washington tuần trước tuyên bố hủy bỏ cuộc tập trận chung với Ai Cập trước bối cảnh bạo lực bùng nổ ở nước này. Tuy nhiên, điều đáng nói là, cuộc tập trận này được cho là cũng có thể đã không diễn ra nếu bất ổn chính trị ở Ai Cập không bủng phát.
Dư luận xung quanh thế giới chia thành 2 luồng trái ngược, một khuyên Mỹ bỏ qua, không cần bận tâm đến cuộc khủng hoảng Ai Cập, một mạnh mẽ yêu cầu cường quốc số 1 thế giới phải gửi đi những thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng hơn, rằng họ sẽ dung túng cho quân đội và chính phủ lâm thời ở đất nước Bắc Phi hay sẽ trừng phạt mạnh mẽ hơn...
Nhưng thực tế đáng ngại là, các lựa chọn của Mỹ lại không nhiều và có khả năng không đạt được hiệu quả như mong đợi. Rõ ràng, Nhà Trắng đang tỏ ra thận trọng khi tránh rơi vào cái bẫy của “các biện pháp có vẻ tốt”, những hành động mạnh mẽ có thể gây tiếng vang nhưng cuối cùng lại không hiệu quả.
|
Người ủng hộ Anh em Hồi giáo chạy ngang qua Quảng trường Ramses đang cháy ở Cairo ngày 16/8. |
Một số người cho rằng, Washington cần phải đình chỉ một phần hoặc toàn bộ khoản viện trợ hàng năm 1,3 tỷ USD cho Cairo. Nhưng nhiều nhà phân tích nhấn mạnh, điều này sẽ chỉ làm giảm hơn nữa ảnh hưởng của Mỹ đối với quân đội Ai Cập.
Điều quan trọng cần nhớ là sau vụ lật đổ Tổng thống Mohamed Mursi, các chính phủ vùng Vịnh đã đã hỗ trợ chính phủ lâm thời mới ở Ai Cập khoản viện trợ lớn gấp 10 lần số tiền mà Mỹ viện trợ cho nước này. Không những vậy, các chính phủ vùng Vịnh còn tuyên bố sẽ tăng cường viện trợ, bù đắp lại lượng tiền thiếu hụt trong trường hợp Mỹ cắt viện trợ cho Ai Cập. Đây chính là một trong những lý do khiến cán cân ảnh hưởng của Mỹ ở Ai Cập bị mất thăng bằng.
Một điều quan trọng khác cần phải nhớ đó là, tình hình ở Ai Cập không đơn giản bị là trắng hoặc đen. Công bố lý do dẫn đến thảm sát trong tuần này, Anh em Hồi giáo cũng phải nhận một phần trách nhiệm. Do quản lý yếu kém, lạm dụng quyền lực khiến việc lật đổ chế độ Mursi đã được hàng triệu người Ai Cập ủng hộ, cổ vũ.
Nhiều người cho rằng, thay vì chăm chăm đổ lỗi cho phản ứng mâu thuẫn, chậm trễ của Mỹ trong trong khủng hoảng Ai Cập thì cũng cần xét đến sự lạm quyền của chính quyền cựu Tổng thống Mursi cũng như của "Anh em Hồi giáo" đã dấy lên sự bất bình và gây mất đoàn kết ở toàn Trung Đông.
Nếu Mỹ phản ứng đã gay gắt hơn hoặc hợp tác nhiều hơn với cộng đồng quốc tế để chặn toàn bộ nguồn viện trợ chảy vào Ai Cập để buộc quân đội và chính phủ nước này phải chấm dứt tình hình bạo lực, thì bi kịch hiện nay có thể đã được ngăn chặn.
Tuy nhiên, Mỹ gần đây đã liên tục nói và làm quá ít và quá muộn. Chẳng hạn, đó là sự im hơi lặng tiếng của Mỹ trước khủng hoảng Syria, tình trạng bạo lực gia tăng ở Iraq và mới nhất là sự thờ ơ trước vấn đề Ai Cập.
Bài học Iraq và Afghanistan đã giúp Mỹ nhận thức rằng, họ không thể hành động bừa bãi, thiếu thận trọng cũng như không thể đơn phương hành động như trước.
Một nước Mỹ thời hậu Iraq và Afghanistan hiện không còn muốn dính líu đến các khu vực bất ổn ở Trung Đông hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới bởi vẫn ám ảnh với cái giá chiến tranh đắt đỏ, những tổn thất nặng nề trong khu vực cũng như khó khăn kinh tế triền miên. Người Mỹ rõ ràng đã thể hiện rằng, họ không cần thêm những Iraq khác nữa.
Cường quốc số 1 thế giới, hơn bao giờ hết, đang đứng trước lựa chọn khó khăn: Một là đương đầu với rủi ro và chấp nhận các khoản chi phí kếch xù để trực tiếp can thiệp hoặc tiếp tục "khoanh tay đứng nhìn" và hứng chịu sự chỉ trích.
Bạch Dương (Theo CNN)