|
Hơn 6.000 chiến binh nước ngoài đã tràn vào Syria, chống chế độ Assad.
|
Khá thiện chiến và sẵn sàng để sử dụng bom xe tự sát, các nhóm Hồi giáo cực đoan hiện bao gồm 6.000 chiến binh nước ngoài. Các quan chức chống khủng bố phương Tây cho biết số lượng chiến binh thánh chiến Hồi giáo cực đoan đổ vào Syria đã nhiều hơn số lượng đổ vào Iraq vào thời điểm đỉnh cao của các cuộc nổi dậy chống Mỹ xâm lược.
Các chiến binh nước ngoài thiện chiến nói trên đã gia nhập Mặt trận Nusra, một nhóm cực đoan có liên hệ với al-Qaeda và được coi là chiến đấu hiệu quả nhất trong hàng ngũ quân nổi dậy.
Hiện thời, ở Syria đã xuất hiện một nhóm mới, thậm chí còn cực đoan hơn Mặt trận Nusra. Đó là nhóm “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông”. Nhóm này bao gồm các chiến binh thánh chiến Hồi giáo cực đoan đến từ khắp nơi trên thế giới - Chechnya, Pakistan, Ai Cập và phương Tây… và al-Qaeda tại Iraq. Nhóm mới có liên hệ với al-Qaeda này không từ thủ đoạn dã man tàn bạo nào để đạt được mục đích thành lập một nhà nước Hồi giáo cực đoan ở Syria.
|
Các chiến binh thánh chiến có liên hệ với al-Qaeda này không từ thủ đoạn dã man tàn bạo nào ở Syria.
|
Trong tuần này, các quan chức tình báo Mỹ cho biết thủ lĩnh số 1 của mạng lưới khủng bố al-Qaeda là Ayman al-Zawahri vẫn liên lạc thường xuyên với Mặt trận Nusra ở Syria và tìm cách biến Syria thành nơi “đồn trú” lâu dài của mạng lưới khủng bố khét tiếng này.
Juan Zarate, một cựu quan chức chống khủng bố cấp cao trong chính quyền George W. Bush, nói rằng Syria nằm ở trung tâm của một vòng cung bất ổn - kéo dài từ Iran qua Bắc Phi - và “trong khu vực đó, thể có xuất hiện một chi nhánh mới của al-Qaeda”.
Trong mấy tháng gần đây, quân chính phủ Syria - được hỗ trợ của Iran và Hezbollah - đã bắt giữ đầu chiếm lại những vùng lãnh thổ ở phía Nam và phía Đông từ tay quân nổi dậy. Trong khi đó, quyền lực trong phe đối lập (bao gồm khoảng 1.200 nhóm mâu thuẫn với nhau) đã dần dần rơi vào tay các phần tử thánh chiến có trụ sở tại mạn Đông Bắc Syria, trong đó có thủ phủ tỉnh Raqqa.
Ý kiến cho rằng Syria một ngày nào đó có thể thay thế Pakistan trở thành một nơi ẩn náu chính của al-Qaeda, là một đòn nặng giáng vào phe đối lập được phương Tây, trong đó có Quân đội Syria Tự do (FSA). Ý kiến này đang hậu thuẫn nhận định của Tổng thống Assad rằng ông đang đánh nhau với “những kẻ khủng bố” và khiến cho người Mỹ ngày càng do dự hơn trong việc hậu thuẫn phe nổi dậy.
Tại thủ phủ tỉnh Raqqa, một chỉ huy của nhóm “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông” là Abu Omar (người Syria) nói rằng phạm vi hoạt động của nhóm này “vượt xa biên giới quốc gia”.
Tuy không nói gì về tấn công Mỹ, nhưng chỉ huy Abu Omar lại đe dọa Nga, Iran và cho biết người Hồi giáo Sunni từ khắp nơi trên thế giới đã đổ vào Syria để chiến đấu chống lại chính Syria liên minh với người Hồi giáo Shii’te đến từ Lebanon và Iraq. Ông ta công khai nói: “Chúng tôi có một kẻ thù và đó là Iran. Chúng tôi cần chống lại kẻ thù này… trên các mặt trận khác nhau”.
Abu Omar cũng cho rằng Nga sẽ là một mục tiêu tấn công “hợp pháp” vì đã hỗ trợ Tổng thống Assad và đàn áp dã man các chiến binh Hồi giáo ở vùng Caucasus. Vị chỉ huy phiến quân này nói: “Nga là giết chết người Hồi giáo ở các nước cộng hòa Hồi giáo miền nam nước này và gửi vũ khí và tiền bạc để giết người Hồi giáo ở Syria. Tôi thề với Đức Chúa Trời rằng người Nga sẽ phải trả giá đắt cho vai trò bẩn thỉu của họ trong cuộc chiến tranh Syria”.
Gần đây, lãnh đạo Quân đội Syria Tự do (FSA), tướng Salim Idris, đã cáo buộc các chiến binh thánh chiến “làm việc cho chính phủ Assad”, khi pháo binh và không quân Syria tập trung đánh phá các vị trí do FSA chiếm giữ và “chừa” các vị trí của các chiến binh thánh chiến.
Trong mấy tuần gần đây, các chiến binh của FSA đã đụng độ với các nhóm thánh chiến đang đặt các luật lệ Hồi giáo đối với xã hội. Tuy nhiên, FSA vẫn phải dựa vào đám chiến binh Hồi giáo cực đoan “hung tợn” vì đây chính là lực lượng chủ lực trên chiến trường.
Trong tuần này, nhóm thánh chiến Jaish al-Muhajireen wal Ansar dưới sự lãnh đạo của Abu Omar al-Shesheni (một thủ lĩnh người Chechnya) đã phối hợp với một tiểu đoàn của FSA đã đánh chiếm căn cứ không quân Menagh ở Aleppo, sau 10 tháng vây hãm.
Sau trận đánh, Đại tá Abdul Jabbar al-Okaidi (người đứng đầu Hội đồng quân sự Aleppo) đã xuất hiện trong một đoạn video cùng với Abu Jandal (một lãnh đạo của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông) và ca ngợi vai trò của “những người an hem” Jaish al-Muhajireen wal Ansar trong chiến thắng vừa qua.
Lê Chân (theo New York Times)