Theo tiết lộ của báo Le Monde ngày 22/10, chỉ trong thời gian từ ngày 10/12/2012 đến 08/01/2013, Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ NSA đã ghi tổng cộng 70,3 triệu dữ liệu điện thoại của dân Pháp.
Các quan chức, doanh nghiệp và nghi phạm khủng bố được cho là đã bị theo dõi trong vòng chỉ 30 ngày từ ngày 10/12 năm ngoái cho đến 8/1 năm nay.
|
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bày tỏ sự bất bình sâu sắc trước việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bí mật nghe lén các cuộc điện thoại của công dân Pháp. |
Pháp nổi giận đùng đùng
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bày tỏ sự bất bình sâu sắc trước việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bí mật nghe lén các cuộc điện thoại của công dân Pháp. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Hollande nói rằng, hành động này "đối với bạn bè và đồng minh là không thể chấp nhận được" và yêu cầu giải thích.
Ông Hollande cho rằng, hành động như vậy của phía Mỹ "xâm phạm vào đời tư của công dân Pháp" và yêu cầu ông Obama giải thích, theo một thông báo phát đi từ Phủ Tổng thống Pháp.
"Bảo vệ an ninh cho người dân chúng ta trong thế giới ngày nay là một công việc rất phức tạp và đầy thách thức... bởi vì có rất nhiều người ngoài kia đang tìm cách gây hại cho người dân", Tổng thống Hollande nhấn mạnh.
Ngay từ hôm qua (22/10), Ngoại trưởng Laurent Fabius đã triệu mời đại sứ Mỹ ở Paris lên để yêu cầu được bảo đảm là những vụ ghi lén điện thoại đó không còn diễn ra nữa. Khi gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sáng nay, ông Laurent Fabius đã một lần nữa yêu cầu phía Mỹ giải thích về thông tin nói trên.
Mỹ phản pháo thế nào?
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, hai vị tổng thống đã trao đổi về những tiết lộ mới nhất này và rằng "một số thông tin đã bóp méo hoạt động của chúng ta và một số đặt ra cho bè bạn và đồng minh của chúng ta những câu hỏi hợp pháp về việc những hoạt động này được tiến hành như thế nào".
“Tổng thống Obama đã nói rõ rằng, Mỹ đã bắt đầu xem lại cách chúng ta thu thập thông tin tình báo như thế nào để có thể cân bằng thỏa đáng những mối quan ngại hợp pháp về an ninh của người dân chúng ta cũng như ở các nước đồng minh và những mối quan ngại về sự riêng tư của tất cả mọi người,” thông cáo viết.
Trong một diễn biến tương đồng, ông James Clapper, người đứng đầu ngành tình báo quốc gia Mỹ đã lên tiếng rằng, thông tin về việc Mỹ thu thập dữ liệu các cuộc điện đàm của công dân Pháp là "không đúng sự thật".
“Các bài báo được đăng tải gần đây trên tờ nhật báo Pháp Le Monde có những thông tin không chính xác và gây hiểu lầm về các hoạt động tình báo hải ngoại của Mỹ. Cáo buộc rằng Cơ quan Tình báo Quốc (NSA) gia thu thập dữ liệu của hơn 70 triệu cuộc gọi của công dân Pháp là sai", ông James Clapper khẳng định.
Clapper cũng nói rằng ông sẽ không đi vào chi tiết các hoạt động do thám nhưng thừa nhận rằng, Mỹ thu thập thông tin tình báo cũng giống như cách tất cả các nước đang làm. Nhưng, ông không trực tiếp bác bỏ cáo buộc rằng NSA do thám các nhà ngoại giao Pháp ở Washington và Liên Hiệp Quốc.
Thông cáo này được đưa ra sau khi Le Monde mô tả chi tiết của Genie, một chương trình do thám của NSA bị cáo buộc dùng các phần mềm theo dõi cài đặt từ xa vào các máy tính ở nước ngoài, trong đó có các phái bộ ngoại giao.
"Những thông tin này là do Edward Snowden, cựu nhân viên phân tích tình báo của NSA, rò rỉ thông qua Glen Greenwald, nhà báo của tờ Guardian hiện cung cấp thông tin từ Brazil", phóng viên BBC Christian Fraser ở Paris cho biết.
Theo đó, bọ theo dõi đã được cài vào Đại sứ quán Pháp ở Washington dưới mật mã "Wabash" và vào các máy tính của phái bộ Pháp tại Liên Hiệp Quốc có mật mã là "Blackfoot".
Cũng theo tờ báo này, năm 2011, Mỹ đã bỏ ra 652 triệu USD để tài trợ cho chương trình này. Hàng chục triệu máy tính được cho là đã bị đột nhập trong năm đó.
Hiện, những tuyên bố nói trên của phía Mỹ đã không làm dịu nỗi tức giận của Pháp và như vậy là quan hệ Paris-Washington lại trở nên nóng bỏng, vào lúc mà giữa hai nước đã gặp căng thẳng do hồ sơ Syria.
Ngược dòng thời gian đến tháng 8 vừa qua, sau khi Anh quốc quyết định sẽ không tham gia trừng phạt quân sự chế độ Damas về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, nước Pháp bỗng dưng trở thành đồng minh số 1 của Mỹ trong trường hợp tấn công Syria. Cả hai tổng thống Hollande và Obama lúc ấy đều thể hiện quyết tâm dùng vũ lực để ngăn chận chính quyền Bachar al-Assad tiếp tục dùng vũ khí hóa học chống thường dân.
Nhưng chỉ vài tuần sau đó, Tổng thống Hollande đã hai lần bị tổng thống Mỹ gài bẫy việt vị. Lần thứ nhất là vào cuối tháng 8, ông Obama đã gây bất ngờ cho mọi người khi quyết định sẽ tham khảo ý kiến Quốc hội Mỹ trước khi ra lệnh oanh tạc Damas, trong khi bản thân Tổng thống Hollande không dự định hỏi ý kiến Quốc hội Pháp trên hồ sơ Syria. Tự nhiên, ông Hollande trở thành lãnh đạo phương Tây đi đầu trong việc chuẩn bị tấn công Syria.
Lần thứ hai, Washington càng khiến đồng minh Paris đau hơn, khi từ bỏ việc trừng phạt ngay lập tức chế độ Damas, thương lượng riêng để ký với Nga một hiệp định về việc phá hũy hệ thống vũ khí hóa học Syria, mà không có sự tham gia của Pháp.
Cách đây 10 năm, quan hệ Paris-Washington đã trở nên căng thẳng chưa từng có, do cuộc khủng hoảng Iraq, vì lúc đó nước Pháp đi hàng đầu trong số các quốc gia chống kế hoạch của chính quyền Bush đánh chiếm Iraq.
B.T (theo BBC News, RFI)