Một đất nước bị chia cắt
Cuộc biều tình bắt đầu vào hồi tháng 12/2013 khi Tổng thống Viktor Yanukovych đột ngột từ chối ký thỏa thuận thương mại tự do và hợp tác chính trị với Liên minh châu Âu (EU). Thay vào đó, họ đã ký kết thỏa thuận với Nga, trong đó Nga đồng ý mua 15 tỷ USD trái phiếu chính phủ của Ukraine và giảm giá khí đốt bán cho nước này. Với động thái tranh cãi trên, người dân ở các tỉnh miền tây Ukraine đã tỏ thái độ xem thường Tổng thống Yanukovych cùng nội các của ông. Trong khi đó, ông lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân ở các tỉnh miền đông và nam nước này.
Những người ủng hộ thân phương Tây đã coi động thái của ông Yanukovych là sự phản bội lợi ích quốc gia và yêu cầu ông suy xét lại quyết định trên của mình. Khi tình hình ngày một tồi tệ, họ đòi ông cùng nội các từ chức và tiến hành cuộc bầu cử sớm. Trong khi đó, những người ủng hộ ông ở các tỉnh miền đông nhìn nhận, phương Tây chính là người giật dây và cũng là người chu cấp tài chính cho phe biểu tình.
Bạo lực nổ ra
Mọi chuyện trở nên tồi tệ sau khi Quốc hội (vốn bị chi phối bởi các thành viên của Tổng thống Yanukovych) thông qua luật chống biểu tình. Điều này dẫn tới những cuộc đụng độ bạo lực. Các thành phần cực đoan ném bom cháy cùng đất đá vào cảnh sát sau khi lực lượng này sử dụng lựu đạn, bình xịt hơi cay và súng cao su trấn áp họ.
|
Cảnh sát chống bạo động và phe biểu tình trong một cuộc đụng độ.
|
"Trước tình hình căng thẳng đó, ông Yanukovych đã thể hiện sự nhượng bộ với việc đồng ý ký vào bản
thỏa thuận ngừng chiến, thể hiện thông qua động thái rút lại luật chống biểu tình và sa thải lãnh đạo các lực lượng vũ trang", Thượng tướng Volodymyr Zamana cho biết. Tuy nhiên, đụng độ tiếp diễn. Hôm 20/2 đánh dấu là ngày biểu tình đẫm máu nhất ở Ukraine.
Sức ép từ bên ngoài
Ukraine có một vị trí chiến lược và là một thị trường tiềm năng chưa được khai thác với số lượng người tiêu dùng khá lớn. Do đó, Mỹ, Nga hay EU đều cố gắng để tạo sự ảnh hưởng đối với quốc gia Đông Âu này.
Moscow nhìn nhận Ukraine hiện thời là nơi sản sinh ra nhà nước Nga, cũng như nền Chính thống giáo. Tổng thống Nga nhìn nhận mối quan hệ chính trị và văn hóa chặt chẽ với nước này sẽ là yếu tố cần thiết để lên kế hoạch xây dựng liên minh các nước từng thuộc Liên Xô cũ thành công.
|
Tổng thống Ukraine Yanukovych và người đồng cấp Nga Putin bắt tay nhau trong buổi ký văn kiện tăng cường hợp tác song phương hai nước.
|
Với mục tiêu này, Nga đã dùng biện pháp “vừa đấm vừa xoa” để gây sức ép lên nước này trong việc đưa ra quyết định ký thỏa thuận hợp tác thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, Moscow đánh tiếng sẽ áp dụng các trừng phạt kinh tế lên Kiev nếu chính phủ nước này đứng về EU. Nếu không làm vậy, Moscow hứa hẹn cấp khoản tín dụng 15 tỷ USD cho Ukraine để tránh tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, cho tới nay, chính phủ Nga mới chỉ giải ngân 3 tỷ USD trong gói cứu trợ và để ngỏ khả năng tiếp tục cấp thêm cho nước láng giềng.
Còn các lãnh đạo EU tăng cường nỗ lực để tìm cách giải quyết tình trạng bất ổn chính trị ở Ukraine. Không quản công họ, hai bên (Tổng thống và phe đối lập) đã đồng ý ký vào văn bản “ngừng chiến” hôm cuối tuần.
Điều xảy ra tiếp theo ...
Tưởng rằng sau khi ký thỏa thuận ngừng chiến, chiến sự hai bên sẽ tạm lắng. Tuy nhiên, hôm 22/2, những người biểu tình bất ngờ kiểm soát toàn thủ đô Kiev, còn Tổng thống Yanukovych rời bỏ văn phòng làm việc đi lánh nạn ở miền đông. Cùng với đó, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu phế truất chức vụ của ông và công bố ấn định ngày bầu cử sớm vào 25/5.
|
Cựu Thủ tướng Tymoshenko phát biểu trước đám đông sau khi được trả tự do.
|
Từ nơi lánh nạn của mình, Tổng thống Yanukovych cáo buộc phe đối lập tiến hành cuộc đảo chính và ông quyết không từ chức. Ngoài ra, Quốc hội cũng ra lệnh phóng thích cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko sau hơn 2 năm rưỡi giam giữ trong tù. Do vậy, sự phân chia rõ ràng giữa hai bên (thân phương Tây và thân phương Đông) chính là vấn đề mấu chốt trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.
Thanh Nga (theo AP)