Sự thật đằng sau những tay bắn tỉa tại quảng trường Maidan

Google News

(Kiến Thức) - Nhà phân tích địa chính trị F. William Engdahl nhận định nhóm dân tộc cực đoan Ukraine là thủ phạm bắn vào người biểu tình ở Kiev hồi đầu năm 2014.

Những tay bắn tỉa bí ẩn ở Kiev
“Những sự kiện ở Ukraine kể từ tháng 11/2013 thật đáng kinh ngạc đến mức như muốn thách thức niềm tin của con người”. 
Vị tổng thống Ukraine được bầu một cách hợp pháp (theo kết luận của các nhà quan sát quốc tế), ông Viktor Yanukovich đã bị buộc phải từ chức và chạy trốn như một tên tội phạm chiến tranh sau cuộc biểu tình đầy bạo lực và khủng bố kéo dài hơn 3 tháng của phe đối lập.
 Cựu tổng thống Ukraine Yanukovich.
Tội ác của ông, theo như lời của phe đối lập, là đã từ chối lời mời gia nhập EU từ chính tổ chức này. Theo ông Yanukovich khi đó, thỏa thuận gia nhập EU đem lại ít lợi ích cho Ukraine hơn so với thỏa thuận với Nga, khi thỏa thuận với Nga sẽ giúp Ukraine xóa được khoản nợ 15 tỷ Euro và được giảm giá khí đốt khi mua của Nga. 
Washington lúc đó đã rất phẫn nộ với Ukraine và kết quả giờ đây là thật thảm họa.
Một tổ chức quân sự tân phát xít bí mật có liên quan tới NATO có vai trò quan trọng trong cuộc tấn công bằng súng bắn tỉa và bạo lực dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ do chính người dân Ukraine bầu cử.
 Quang cảnh của quảng trường Maidan trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình.
Nhưng phương Tây vẫn chưa hoàn toàn hủy hoại được Ukraine. IMF đã đến với những điều kiện tiên quyết để có được bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào của phương Tây.
Sau cuộc điện thoại bị rò rỉ của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland với đại sứ Mỹ ở Kiev, nơi bà đã bàn luận về những chi tiết về những người bà muốn chọn trong chính phủ liên minh mới ở Kiev, và cũng là nơi bà từ chối những giải pháp của EU với lời lẽ thô tục. 
Về giải pháp đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã đề xuất rằng ông và người đồng cấp của mình ở Pháp - Laurent Fabius sẽ cùng bay đến Kiev để cố gắng đạt được một giải pháp cho tình trạng bạo lực trước khi nó leo thang. Ngoại trưởng Ba Lan, ông Radoslaw Sikorski cũng được mời tham gia.
Sau đó cuộc nói chuyện ở Kiev được diễn ra bao gồm phái đoàn của EU, ông Yanukovich, 3 thủ lĩnh phe đối lập và đại diện của Nga. Phía Mỹ đã không được mời. Sự can thiệp của EU mà không cần đến Washington là rất bất thường và cho thấy sự chia cắt ngày một rõ rệt giữa 2 bên trong những tháng gần đây.
Sau cuộc nói chuyện này, tất cả các đảng lớn bao gồm phần lớn các đảng đối lập, đều đồng ý về cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 12, khôi phục Hiến pháp năm 2004 và trả tự do cho bà Julia Tymoshenko. Sự thỏa hiệp đã có vẻ như sẽ chấm dứt sự hỗn loạn kéo dài nhiều tháng và cho các bên tham gia một lối thoát. Nhưng thỏa hiệp này chỉ kéo dài không quá 12 tiếng, sau đó mọi thứ đều trở nên tồi tệ.
 Các tay bắn tỉa được bố trí gần quảng trường Maidan
Các tay bắn tỉa bắt đầu nổ súng vào đám đông hôm 22/2 ở quảng trường Maidan. Sự hoảng loạn nổ ra sau đó và cảnh sát chống bạo động rút lui, thủ lĩnh phe đối lập ông Vitali Klitschko rút khỏi thỏa thuận mà không có lý do, còn ông Yanukovich chạy trốn khỏi Kiev.
Câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp chính là ai đã chỉ đạo cho những tay bắn tỉa? Theo như nguồn tin tình báo từ các cựu binh Mỹ, những tay bắn tỉa này đến từ một tổ chức quân sự siêu cánh hữu có tên là UNA-UNSO.
“Chủ nghĩa dân tộc” kỳ lạ ở Ukraine
Thủ lĩnh của UNA-UNSO, Andriy Shkil, 10 năm trước từng là cố vấn cho bà Tymoshenko. Tổ chức này, trong thời kì “cách mạng cam” năm 2003-2004, đã hỗ trợ cho ứng viên thân NATO Viktor Yushchenko chống lại đối thủ thân Nga của ông ta, ông Yanukovich. 
Thành viên UNA-UNSO bảo vệ cho những người ủng hộ ông Yushchenko và bà Tymoshenko tại Quảng trường Độc lập ở Kiev hồi năm 2003-2004. Tổ chức này cũng được tin là có quan hệ gần gũi với Đảng Dân chủ Dân tộc của Đức (NDP).
Sau sự tan rã của Liên Xô năm 1991, các thành viên của UNA-UNSO đã đứng sau tất cả cuộc biểu tình chống lại sự ảnh hưởng của Nga. Điểm chung duy nhất trong các chiến dịch bạo lực của chúng luôn là bài Nga. Cũng theo nguồn tin thì tổ chức này là một phần trong tổ chức GLADIO bí mật của NATO, chứ không phải là nhóm dân tộc cực đoan như truyền thông phương Tây đưa tin.
 Lực lượng của UNA-UNSO tham gia biểu tình.
Cũng theo nguồn tin này. UNA-UNSO đã tham gia các hoạt động ở Lithuania hồi mùa đông năm 1991, cuộc chiến vì Cộng hòa Pridnister năm 1992, cuộc chiến chống Nga tại Abkhazia năm 1993, cuộc chiến Chechen, chiến dịch chống lại người Serbia tại Kosovo do Mỹ tổ chức, và cuộc chiến ở Gruzia hồi tháng 8/2008. 
Theo nguồn tin, đội quân của UNA-UNSO đã nhúng tay vào mọi cuộc chiến bẩn của NATO trong thời kì hậu chiến tranh lạnh, luôn chiến đấu dưới danh nghĩa NATO. 
“Những kẻ này đều là những tay lính đánh thuê được sử dụng trên khắp thế giới để tham gia các cuộc chiến tranh bẩn của NATO, và cũng để khiến Nga gặp bất lợi vì những tên này đều giả vờ là lực lượng đặc biệt của Nga. Chúng đều là những kẻ xấu, hãy quên đi vỏ bọc chủ nghĩa dân tộc của chúng, chúng chính là những kẻ đã cầm súng bắn tỉa”, trích từ nguồn tin.
Nếu như UNA-UNSO thực sự là lực lượng tối mật của NATO sử dụng Ukraine làm căn cứ, thì cũng nghĩa là thỏa hiệp hòa bình của EU với phe ôn hòa đã bị hủy hoại bởi một người có liên quan nhưng bị loại ra khỏi cuộc đối thoại ngoại giao tại Kiev hôm 21/2 – bà Victoria Nuland. 
Cả bà Nuland và nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa Mỹ John McCain, đều từng có liên lạc với người lãnh đạo của đảng Svoboda đối lập tại Ukraine - người có tư tưởng bài Do Thái và bảo vệ cho những hành động trong Thế chiến II của đơn vị lính SS-Galicia. 
Đảng này được thành lập năm 1995, ban đầu có tên là Đảng Dân tộc Xã hội Ukraine và sử dụng biểu tượng giống với hình chữ vạn. Đảng Svoboda chính là mặt trận bầu cử cho các tổ chức tân phát xít ở Ukraine như UNA-UNSO.
 Lực lượng của đảng Svoboda tham gia biểu tình.
Một thông tin khác rằng những người làm việc cho Mỹ đang điều khiển những sự kiện gần đây của Ukraine, đồng nghĩa rằng Quốc hội mới của Ukraine được kì vọng sẽ chỉ định sự lựa chọn của bà Nuland, ông Arseny Yatseniuk, đến từ đảng của ông Tymoshenko, trở thành người đứng đầu của nội các lâm thời.
Dù sự thật sau cùng có là như thế nào, điều chắc chắn là Washington đã chuẩn bị một cuộc cưỡng bức kinh tế mới nhằm vào Ukraine nhờ vào sự điều hành của Mỹ đối với Quĩ Tiền tệ Quốc tế IMF.
IMF cướp đá quý trên vương miện của Ukraine
Giờ thì khi phe đối lập đã khiến vị tổng thống được bầu hợp pháp phải lưu đày đến một nơi không ai biết, và giải tán lực lượng cảnh sát chống bạo động Ukraine ( hay còn gọi là Berkut), Washington đã yêu cầu Ukraine phải tuân theo những quy định nặng nề của IMF.
Trong cuộc đàm phán cuối tháng 10, IMF yêu cầu chính phủ phải tăng gấp đôi giá khí đốt và điện dành cho công nghiệp và dân cư, gỡ bỏ lệnh cấm buôn bán tư nhân các mảnh đất nông nghiệp màu mỡ của Ukraine, thực hiện sửa đổi lớn đối với những tổ chức kinh tế của nhà nước, giảm giá trị đồng tiền, cắt bỏ ngân sách dành cho trường học và người già đã “cân bằng ngân sách”. Đổi lại Ukraine sẽ có được số tiền ít ỏi 4 tỷ USD.
 Một bà lão ăn xin ở điểm đổi tiền tại Kiev.
Trước cuộc lật đổ chính quyền thân Nga của ông Yanukovich, Moscow đã chuẩn bị 15 tỷ Euro để mua nợ của Ukraine và cắt giảm 1/3 giá khí đốt. Giờ đây, cũng dễ hiểu khi Nga không còn muốn đưa ra sự trợ giúp. Sự hợp tác kinh tế giữa Ukraine và Moscow là điều mà Washington luôn quyết tâm hủy hoại bằng mọi giá.
Tình hình vẫn còn lâu mới kết thúc. Những hậu quả sẽ bao gồm tương lai của nước Nga, quan hệ EU-Nga, và quyền lực trên toàn cầu của Washington, hay ít nhất là các phe phái ở Washington coi những cuộc chiến trong tương lai là nội dung chủ yếu của chính sách.
Phong Đức