Điều đó không có nghĩa là Tổng thống Pháp đắc cử Macron sẽ thành công trong sứ mạng vừa cao cả vừa rất khó khăn này, theo nhà phân tích người Đức Max Hofmann trong bài viết cho Deutsche Welle ngày 8/5/2017.
|
Emmanuel Macron đã trở thành tổng thống Pháp đầu tiên không thuộc về một trong hai chính đảng truyền thống vốn thay nhau cầm quyền. Ảnh: IBTimes |
Emmanuel Macron đã trở thành tổng thống Pháp đầu tiên không thuộc về một trong hai chính đảng truyền thống vốn thay nhau cầm quyền (Đảng Xã hội và Đảng Những người Cộng hòa bảo thủ) nhiều thập kỷ qua. Ông cũng là vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp. Nhưng liệu vị tổng thống Pháp 39 tuổi này có hoàn thành sứ mạng được giao và tránh được những thất vọng lớn đang hiển hiện ở phía chân trời?
Tổng thống Pháp đắc cử Emmanuel Macron là một con người thông minh. Ông từng làm bạn với những nhân vật ưu tú nhất nước Pháp: các nhà kinh doanh, triết gia và chính trị gia. Macron đã nhiều lần cho thấy rằng ông có thể tạo ra liên minh, trung gian hòa giải, tìm giải pháp và thỏa hiệp. Những người nghi ngờ điều này hãy xem lại cuộc tranh luận cuối cùng giữa Emmanuel Macron và ứng viên tổng thống cực hữu Marine Le Pen. Ứng viên Marcon đã phản ứng nhanh hơn, chắc chắn hơn và hiểu biết nhiều hơn đối thủ Marine Le Pen.
Chỉ có điều, tất cả những lợi thế nêu trên đều vô ích, nếu Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron không tìm được các đồng minh trong bối cảnh thay đổi chính trị ở nước Pháp hiện nay.
Phong trào “Tiến bước!” của ông Macron vẫn còn quá non trẻ và rất đỗi mong manh. Cho đến nay, phong trào này không có lấy 1 ghế trong quốc hội Pháp. Điều đó chắc chắn sẽ thay đổi vào ngày 18/ 6, khi người Pháp lại tiến hành bầu cử quốc hội.
Ông Macron cần đối tác và đó lại là những người có quyền lực trong quá khứ vốn bị cử tri Pháp ruồng bỏ trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua. Đó là hai chính đảng truyền thống: Đảng Xã hội và Đảng Những người Cộng hòa bảo thủ. Trong khi đó, tầng lớp quí tộc lại không ưa thích gì những người mới giàu. Chính vì vậy mà Tổng thống Pháp đắc cử Emmanuel Macron sẽ phải chèo lái con thuyền nước Pháp tiến vào vùng biển xa lạ, đầy giông bão.
Trong khi đó, các chính đảng vốn thuộc về thể chế cũ đều biết rằng họ sẽ phải hợp tác với Tổng thống Marcon ở một mức độ nào đó. Nếu họ ngăn cản chính quyền Macron vì lợi ích riêng, cả hai bên đều sẽ bị thảm bại. Cử tri Pháp đã đưa ra một cơ hội cuối cùng cho thể chế cũ và chính trị gia trẻ Emmanuel Macron. Nhưng nếu ông Marcon cũng thất bại như tổng thống tiền nhiệm, đa số cử tri Pháp có thể sẵn sàng trải nghiệm một cái gì đó hoàn toàn mới: Marine Le Pen. Vì vậy, sẽ có rất nhiều áp lực đối với Tổng thống Macron và các đồng minh của ông trong quốc hội.
Những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống cho thấy rằng xã hội Pháp đã hoàn toàn bị cuốn vào tình trạng kình địch lâu đời giữa cánh hữu và cánh tả. Những người bảo thủ khó có thể nuốt trôi cục hận trước việc ứng viên Francois Fillon của họ đã thất bại cay đắng trong vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Đó là chưa kể Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen sẽ chiếm một số ghế đáng kể trong quốc hội mới. Các nghị sĩ của FN sẽ làm bất cứ điều gì trong quyền hạn của họ để cản trở tổng thống mới. Chính vì vậy mà Tổng thống Macron sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa ra quyết sách khi không có sự ủng hộ của một đa số tuyệt đối trong Quốc hội Pháp.
Có thể nói, Emmanuel Macron đã đắc cử tổng thống Pháp với chương trình tranh cử vì hội nhập Châu Âu. Ông ủng hộ toàn cầu hóa và chính sách nhập cư cởi mở. Chính vì điều này mà ông đã bị phe dân túy cánh hữu phỉ báng và cũng không nhận được sự ủng hộ của phe cực tả ở Pháp.
Trên cương vị tổng thống của nước Pháp nằm ở trung tâm châu Âu, Emmanuel Macron có thể sẽ làm những gì cần thiết để kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng triền miên. Ông có thể giúp nước Pháp trở lại với niềm tự hào và lòng tự trọng. Nhưng Tổng thống Marcon sẽ không thể làm điều đó một mình.
Minh Châu (Theo DW)