Nguyên nhân của hiện tượng này là quê hương của các chiến binh cũng như nhà tang lễ địa phương không muốn nhận họ, một quan chức cấp cao trong Bộ Nội vụ Iraq cho biết.
Tờ báo tiếng Ả Rập Akhbar Al Iraq dẫn lời một nguồn tin giấu tên, một quan chức cấp cao Bộ Nội vụ cho biết hơn 100 thi thể của các chiến binh thánh chiến có quốc tịch từ hơn 13 quốc gia thuộc Ả Rập, châu Âu và châu Á đang nằm rải rác tại các bệnh viện ở Iraq trong khi chính phủ đang tìm cách để xử lý các thi thể đó. Các quốc gia giấu tên đều từ chối nhận thi thể của những chiến binh hồi giáo này.
|
Các chiến binh IS người nước ngoài khi thiệt mạng thường bị các quốc gia họ từng sinh sống từ bỏ không muốn nhận lại
|
“Thiêu hủy hoặc dìm xuống sông, chúng tôi không muốn chúng”, vị quan chức dẫn lời các quốc gia khi họ nói về các thi thể. “Chúng tôi đã tước quyền công dân của họ”.
Hầu hết các thi thể đều là của các chiến binh IS đã thiệt mạng trong các cuộc chiến với lực lượng người Kurd - Peshmerga hoặc là bởi các cuộc không kích. Một số phần tử thánh chiến đã bị tử hình cho các hành vi khủng bố. Một số các quốc gia đã tước bỏ quyền công dân của những người mà rời bỏ đất nước để tham gia vào Nhà nước Hồi giáo.
“Các quốc gia này muốn gửi một thông điệp; đầu tiên là đến Iraq – một thông điệp thể hiện sự ủng hộ chống lại chủ nghĩa cực đoan khủng bố, và thứ hai là đến với những kẻ muốn chiến đấu cùng với nhóm khủng bố IS rằng họ không là gì với quốc gia và người dân của đất nước họ”, một quan chức Bộ Nội vụ cho hay
Tại địa phương, dân thường và các chính tri gia Iraq từ chối cho phép việc chôn cất các thi thể của những kẻ khủng bố nước ngoài trong nghĩa trang, tờ báo tiếng Ả Rập có trụ sở tại London Al Quds Alarabi cho hay.
Vị quan chức này cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành với những quốc gia có liên quan để tìm cách đưa ra lựa chọn tốt để loại bỏ các thi thể không mong muốn này, bao gồm cả việc chôn cất các thi thể đó ở sa mạc phía Tây Iraq.
Một quan chức khác trong Bộ Nội vụ Iraq đã bác bỏ tuyên bố không có căn cứ của vị đồng nghiệp giấu tên, và nói rằng chính quyền Iraq có trách nhiệm an táng cho các thi thể của các chiến binh Hồi giáo IS. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với FoxNews.com rằng nếu một công dân Mỹ bị thiệt mạng trong khi đang chiến đấu ở nước ngoài thì điều đó là tùy vào quyết định của gia đình họ có muốn mang về để chôn cất tại quê hương hay không.
“Khi một công dân người Mỹ bị chết ở nước ngoài, Cục Lãnh sự Quán sẽ hỗ trợ gia đình và bạn bè họ trong thời điểm khó khăn đó”, vị quan chức cho biết. “Cục Lãnh sự Quán sẽ xác định và thông báo cho thân nhân của người Mỹ bị thiệt mạng và cung cấp các thông tin về các thủ tục chôn cất tại địa phương hoặc mang thi thể về Mỹ”.
Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về sự Cực đoan và bạo lực Chính trị cung cấp số liệu mới nhất về hơn 20,000 người nước ngoài đã đến Iraq và Syria để tham gia cùng nhóm khủng bố IS.
Số lượng binh sĩ đến từ các quốc gia Ả Rập chiếm phần đông nhất trong nhóm chiến binh Hồi giáo IS. Tunisia và Ả Rập Saudi, mỗi nước đều thừa nhận có hơn 1,500 công dân đã tham gia vào lực lượng khủng bố IS. Hơn 4,000 chiến binh được ghi nhận là đến từ Tây Âu, trong đó Pháp đứng đầu với 1,200 người. Ước tính số chiến binh đến từ Mỹ và Canada chỉ có khoảng vài trăm người.
Nguyễn Trung