Đó là nhận định của học giả người Mỹ Roncevert Ganan Almond – người từng tư vấn cho Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung về các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế - trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 13/9/2016.
Sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye bác bỏ mọi cơ sở pháp lý của cái gọi là yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc, Bắc Kinh liên tục đe dọa thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
|
Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ không thể ngăn cản tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông. Ảnh The National Interest |
Theo học giả Ganan Almond, có lẽ mục đích thiết lập ADIZ trên Biển Đông là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền (tham lam phí lý) của Trung Quốc, trái ngược với phán quyết PCA. ADIZ này cũng có thể nhằm loại trừ và ngăn chặn chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của Mỹ trên Biển Đông, trong đó có các chuyến bay quân sự thách thức yêu sách vượt quá thẩm quyền của Trung Quốc. Trung Quốc đã bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa có tranh chấp và xây dựng trái phép một loạt các đường băng đủ dài để cho tất cả các loại máy bay quân sự hạ, cất cánh để có thể thực thi ADIZ.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông sẽ làm căng thẳng leo thang, vi phạm luật pháp quốc tế và sai lầm về chính sách.
Thứ nhất vai trò của việc thiết lập ADIZ là để có một phương tiện tự vệ trước các mối đe dọa đến từ đại dương. ADIZ tạo ra một vùng đệm ở đối với các vùng duyên hải. Sử dụng ADIZ để tăng cường yêu sách đối với các vùng biển có tranh chấp là trái với chuẩn mực quốc tế, xâm phạm quyền của tất cả các nước trên đại dương.
Trong kịch bản này, cơ sở pháp lý của ADIZ về cơ bản sẽ bị đảo ngược: từ phòng thủ chuyển sang tấn công, từ việc bảo vệ chủ quyền quốc gia sang mở rộng cưỡng chế chủ quyền.
Thứ hai, ADIZ chỉ có thể được áp dụng một cách hợp pháp liên quan đến việc ngăn chặn sự xâm nhập trái phép máy bay vào không phận quốc gia. ADIZ không được sử dụng để kiểm soát máy bay nước ngoài không có ý định nhập vào không phận quốc gia của mỗi nước. Theo luật pháp quốc tế, ngoài lãnh hải 12 hải lý của một quốc gia, tất cả các nước được hưởng quyền tự do hàng hải, bao gồm cả quyền tự do bay qua.
Những hạn chế này có thể làm hỏng mưu đồ sâu xa của Bắc Kinh. Ví dụ, ngay cả khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết PCA và tuyên bố “đảo nhân tạo” Đá Chữ Thập là “đảo”, Bắc Kinh cũng không thể ngăn chặn máy bay quân sự Mỹ từ bay qua không phận quốc tế.
Thứ ba, việc thành lập ADIZ phải tuân theo các thủ tục thông báo và phối hợp theo tiêu chuẩn. Công ước Chicago qui định phải có sự hợp tác và cơ cấu trước khi thiết lập khu vực an ninh nhằm giảm thiểu rủi ro đối với hàng không dân dụng. Nếu được thiết lập, ADIZ của Trung Quốc chồng lấn với các khu vực không lưu hiện tại trên Biển Đông, có thể dẫn đến tính toán sai lầm và đe dọa vũ lực chống lại các máy bay thương mại. Bắc Kinh sẽ phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ thảm họa hàng không nào do ADIZ gây ra.
Thứ tư, các quốc gia có ý định áp dụng ADIZ đối với cả máy bay dân sự và chuyên cơ nhà nước thường có vấn đề với luật pháp quốc tế. Sau vụ chuyến bay 007 của Korean Airlines bị một máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn hạ, giết chết tất cả 269 người trên máy bay, Công ước Chicago đã được sửa đổi để cấm việc sử dụng vũ khí chống lại máy bay dân sự. Một ADIZ ở Biển Đông sẽ chỉ làm tăng nguy cơ gây rối và tính toán sai lầm, do đó hạn chế một trong những tuyến vận chuyển lớn nhất thế giới.
Thứ năm, các nước thực thi ADIZ thông qua việc đánh chặn quân sự có thể dẫn đến việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại các máy bay không tuân thủ trong không phận quốc tế. Một tai nạn hay sự cố liên quan đến hành động đánh chặn của quân đội Trung Quốc sẽ trái với cam kết của Bắc Kinh về tự kiềm chế và giải quyết hòa bình các tranh chấp như được nêu trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Thứ sáu, luật pháp quốc tế đã qui định các thông số quan trọng về phạm vi của ADIZ. Quan trọng hơn, qui mô của một ADIZ phải được đo bằng nguyên tắc tự vệ. Liệu khu vực thiết lập ADIZ có là khu vực cần thiết và tỷ lệ thuận với sự đe dọa trên thực tế hay không? Gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã thừa nhận rằng việc Bắc Kinh có thiết lập ADIZ ở Biển Đông hay không còn phụ thuộc vào các mối đe dọa. Chiến dịch tự do hàng hải cà hàng không của Mỹ trên các vùng biển quốc tế ở Biển Đông sẽ không phải là một lý do chính đáng cho việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên vùng biển này.
Liệu ADIZ của Trung Quốc sẽ bao trùm cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò ” tham lam phi lý liếm trọn hầu hết diện tích Biển Đông hay chỉ đơn thuần trên không phận các đảo và rạn san hô đang tranh chấp mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền?
Không giống như các cuộc tập trận hung hăng nhưng chỉ có tính chất tạm thời, việc thực thi ADIZ sẽ buộc quân đội Trung Quốc hiện diện gần như thường trực ở Biển Đông.
Theo học giả Ganan Almond, mọi lợi ích chiến lược từ sự mơ hồ sẽ bị mất, không gian ngoại giao bị thu hẹp và bản chất “ỷ mạnh hiếp yếu” của Trung Quốc sẽ bị bộc lộ, nếu Bắc Kinh cố tình thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Rốt cuộc. ADIZ sẽ trở thành một ranh giới giả buộc Trung Quốc phải gồng mình bảo vệ ở Biển Đông vốn đã rất căng thẳng và bất ổn.
Minh Châu (Theo The Diplomat)