Sáu lý do khiến ông Trump không thể bỏ qua ASEAN

Google News

 Bất kể Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn theo đuổi chính sách đối ngoại nào, thì ông cũng phải nghĩ đến những điểm độc đáo của mối quan hệ ASEAN-Mỹ.

Nhật báo "The Nation" (Dân tộc) của Thái Lan vừa đăng bài viết của học giả Kavi Chongkittavorn nói về vị trí của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump.
Sau ly do khien ong Trump khong the bo qua ASEAN
 Học giả Kavi Chongkittavorn. Ảnh International Media
Theo học giả Kavi Chongkittavorn, có đến 6 lý do khiến chính quyền Donald Trump phải chú ý đến ASEAN.
Thứ nhất, ông Trump cần biết rằng các nền kinh tế ASEAN đã tạo ra nửa triệu việc làm cho người dân Mỹ trong các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ đối với ASEAN chắc chắn sẽ làm giảm số việc làm của người Mỹ, điều mà ông Trump phải tránh bằng mọi giá. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Các công ty Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực ASEAN.
Thứ hai, ASEAN là một cộng đồng gồm 635 triệu người và đang tăng lên, không chỉ về mặt dân số trẻ mà còn ở mức thu nhập của “tầng lớp người tiêu dùng". Mặc dù thu nhập bình quân của toàn bộ khu vực ASEAN vẫn không thể sánh với EU, nhưng các con số tổng thể đã tăng lên. Singapore có thu nhập hàng năm cao hơn so với tất cả các thành viên EU, ngoại trừ Luxembourg. Singapore là nước giàu thứ ba thế giới với thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 56.700 USD. Singapore là nước đầu tiên kêu gọi Mỹ phê chuẩn TPP với biện luận rằng thất bại của nó sẽ làm tổn hại uy tín của Mỹ.
Thứ ba, Tổng thống Barack Obama đã đưa quan hệ ASEAN - Mỹ đến một tầm cao chưa từng có. Ông đã gặp các nhà lãnh đạo ASEAN 11 lần và đến thăm khu vực này 7 lần trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nếu ông Trump duy trì sự gắn kết của Mỹ với ASEAN ở mức cao này và giữ lại chính sách "tái cân châu Á" thì đây sẽ là một hành động khôn ngoan. Một ASEAN ổn định và thịnh vượng có thể là một đối tác chiến lược của Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh mạng, an ninh hàng hải và y tế toàn cầu.
Thứ tư, nước Mỹ có 100.000 "tín đồ” tại ASEAN, trong độ tuổi từ 18 - 35, những người được gợi cảm hứng từ các hệ thống dân chủ thực hành tại Mỹ. Ông Obama đã đưa ra Sáng kiến Các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tập hợp các thanh niên đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN đến với người Mỹ. Cho đến nay, đây là chương trình thanh niên thành công nhất giữa ASEAN và đối tác đối thoại. Ông Trump sẽ nhận thấy rằng YSEALI một diễn đàn tuyệt vời để ông hiểu hơn về thế hệ trẻ ASEAN. Nếu ông từ bỏ YSEALI chỉ vì nó là "đứa con tinh thần" của ông Obama thì chắc hẳn đây sẽ là một hành động sai lầm. Rốt cuộc, ông Obama là người thuyết trình nổi tiếng nhất cho "quyền lực mềm" của nước Mỹ.
Thứ năm, sau sự kiện bi thảm tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York vào tháng 9/2001 và cuộc tấn công ở Bali vào tháng 10/2002, cả Mỹ và Đông Nam Á đều gặp phải một thách thức chung, đó mối đe dọa khủng bố quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu hợp tác nội khối ASEAN chống khủng bố, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Công ước về chống khủng bố trong năm 2007, chỉ sau 90 ngày tham vấn. Với cương lĩnh chống khủng bố mạnh mẽ, ông Trump có thể tìm hiểu một số thông lệ tốt từ khu vực, nơi có nhiều người Hồi giáo nhất thế giới.
Thứ sáu, sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2017, ông Trump sẽ nhận được lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tham dự hai Hội nghị quan trọng là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ 4 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11 vào tháng 5/2017. Philippines sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2017. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ là một diễn đàn để các nhà lãnh đạo có thể nêu ra các vấn đề họ quan tâm cũng như các bất đồng. Đối với EAS sắp tới, nếu không có sự tham dự của ông Trump, Mỹ sẽ mất đi cơ hội bày tỏ quan điểm tại diễn đàn an ninh chỉ dành cho các nhà lãnh đạo.
Theo TTK/Báo Tin Tức