Rốt cuộc ông Kim Jong-un muốn gì?

Google News

(Kiến Thức) - Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên leo thang đạt tới mức báo động và có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.


 Ông Kim Jong-un (áo đen) luôn được các vị tướng già vây quanh.

Thái độ của Triều Tiên rất cứng rắn, thậm chí có thể đưa khu vực Đông Bắc Á tới bờ vực thẳm của xung đột vũ trang và chiến tranh hạt nhân. Vậy rốt cuộc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un muốn gì?

Thời gian qua, Bắc Triều Tiên liên tiếp đưa ra những tuyên bố hiếu chiến, đe dọa sử dụng vũ lực tấn công Hàn Quốc và Mỹ, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ngày 29/3/2013, nhà lãnh đạo Kim Jong-un triệu tập hội nghị bất thường, ra lệnh cho các đơn vị bộ đội tên lửa sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tuyên bố “đã tới lúc phải tính sổ với đế quốc Mỹ”. Ông cũng thân trinh thị sát các cuộc diễn tập của các đơn vị tên lửa, pháo binh.

Ngày 2/4, ông Kim Jong-un ra lệnh khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon đã ngừng hoạt động từ năm 2007. Tiếp đó ngày 5/4, Triều Tiên thông báo cho các cơ quan ngoại giao phải sơ tán nhân viên vì không đảm bảo an toàn, đồng thời tuyên bố tiếp tục thử tên lửa Musudan BM 25 nhân dịp kỉ niệm 101 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành).

Dư luận thế giới đặt câu hỏi: Rốt cuộc, ông  Kim Jong-un muốn gì thông qua những hành động phiêu lưu mạo hiểm này?

Có lẽ một phần là do tình hình và đặc điểm khi Kim Jong-un kế vị năm 2011 có một số điểm đáng lưu ý.

- Một là, ông lên kế vị hơi bất ngờ khi cha ông Kim Jong-il đột ngột qua đời 19/12/2011, nên chưa được chuẩn bị đầy đủ cả về kinh nghiệm lãnh đạo và uy tín cá nhân. Chưa hề trải qua cuộc sống binh nghiệp gian lao vất vả, nhưng ông đã được phong hàm Đại tướng và là Ủy viên Quân ủy trung ương lúc 27 tuổi. Khi lên nắm toàn quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 12/2011, ông Kim Jong-un mới có 28 tuổi, chưa được thử thách và trên thực tế không có thực quyền. Kim Jong-un nằm trong vòng vây của các tướng lĩnh cao cấp già từng trải, nên cảm thấy mình quá non trẻ, không đủ tư thế lãnh đạo. Những chủ trương chính sách quan trọng của đất nước đều do tướng lĩnh thuộc “phái diều hâu” chi phối. Vì vậy, ngay khi nắm quyền, Kim Jong-un chủ yếu đi thăm các đơn vị quân đội để có vốn chính trị.

Dư luận trong nước khi đó cho rằng Kim Jong-un còn quá trẻ. Tờ “Korean Daily” của Hàn Quốc đầu tháng 7/2012 đăng bài của Giáo sư Trường đại học quốc lập Seoul, Cheng Yong-sik, cho rằng: “Là nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, nhưng các hoạt động như  thị sát quân đội, thăm cán bộ, dân chúng, tiếp khách nước ngoài... của Kim Jong-un thường nằm trong vòng vây của  các tương lĩnh già nua, nên đã để lại ấn tượng tiêu cực trong dân chúng. Dư luận đều đánh giá ông là người còn quá trẻ, non nớt chưa hiểu biết công việc, nhiều dị nghị nảy sinh, rất bất lợi cho ổn định tình hình xã hội và đất nước”.

Chính vì vậy, giới tướng lĩnh quyết định phải lấy vợ cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi này để tăng uy tín trong dân chúng. Ngày 25/7/2012, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) lần đầu tiên đã chính thức đưa tin “Đồng chí Ri Sol Ju đi thị sát và thăm hỏi dân chúng cùng với lãnh tụ Kim Jong-un”. Đây là thông báo chính thức Kim Jong-un đã lấy vợ và Ri Sol Ju là Đệ nhất phu nhân của Bắc Triều Tiên.

Tờ “Đông Á” của Hàn Quốc bình luận kể từ khi lấy vợ, ông  Kim Jong-un đã xua tan được một số hoài nghi và dị nghị ở trong nước.

- Hai là, về đối ngoại hầu như các nước chưa hề biết Kim Jong-un là ai. Ngay Trung Quốc, nước đỡ đầu và là đồng minh tin cậy nhất, cũng hơi bất ngờ. Báo chí Mỹ cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 9/2010 của cựu Tổng thống Carter, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói:  “Chủ tịch Kim Jong-il nói với  Trung Quốc rằng tin tức về việc ông có ý định thay người kế vị, đưa Kim Jong-un làm người kế thừa chỉ là tin đồn đại vô căn cứ của báo chí Phương Tây!”.

Vì vậy, việc Kim Jong-un lên kế vị coi như là “sự việc đã rồi” mà phía Trung Quốc phải thừa nhận.

Xét cả đối nội cũng như đối ngoại, Kim Jong-un cảm thấy mình thiếu uy tín và thực quyền. Vì vậy, ông  phải có những hành động nào đó thể hiện bản lĩnh và quyền lực, uy tín cá nhân.

- Ba là, thời gian qua, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều thay đổi ban lãnh đạo, nhất là Hàn Quốc lần đầu tiên có nữ Tổng thống Park Geun Hye. Đối với Mỹ, tuy Obama liên nhiệm, nhưng nội các thay đổi lớn, bởi vậy Kim Jong-un cho rằng đây là thời cơ thuận lợi để thể hiện quyền uy và uy tín của mình. Quyền uy và uy tín cá nhân thông qua con đường quân sự sẽ được tăng lên nhanh chóng nhất. Bởi vậy, Kim Jong-un đã dấy lên hành động đe dọa quân sự và sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm thể hiện với các nước, nhất là với Mỹ và Trung Quốc, rằng ông thực sự có quyền và uy tín chứ không phải là bù nhìn.

Hành động hiếu chiến của Triều Tiên bị nhiều nước lên án. Ngay cả Trung Quốc, nước đỡ đầu và là đồng minh tin cậy của Triều Tiên, cũng cảm thấy khó chịu. Vì vậy, ngày 7/4/2013 phát biểu tại “Diễn đàn châu Á Bác Ngao”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói các nước đều phải là người bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, càng không thể chỉ vì ích kỉ cá nhân mà làm náo loạn cả khu vực và thế giới. Dư luận cho rằng đây là lời cảnh cáo đối với ban lãnh đạo Triều Tiên.

Ngày 5/4, khi Triều Tiên thông báo các nước rút nhân viên về nước vì Bình Nhưỡng không đảm bảo an toàn cho họ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức yêu cầu Triều Tiên “phải bảo vệ an toàn cho  nhân viên Sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên.” Dư luận cho rằng đây là lời cảnh cáo đối với Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy, hành vi phiêu lưu mạo hiểm của Bắc Triều Tiên đã làm xáo trộn chiến lược của Trung Quốc tại khu vực này.

Tuy nhiên, Hoàn cầu Thời báo ngày 7/4 dẫn phát biểu của giáo sư Trương Liễn Khôi, giảng viên Trường đảng trung ương ĐCS Trung Quốc nói: “Các nước không nên đánh giá sai lầm về Kim Jong-un và cho rằng đây chỉ là lời nói suông. Khi cần thiết Kim Jong-un sẽ hành động để tăng uy tín và quyền uy của mình. Bởi lẽ lôgic của Triều Tiên khác với các nước”.

Tờ báo này cho biết hành vi phiêu lưu mạo hiểm và đe dọa của ông Kim Jong-un có tác dụng nhất định. Để tránh làm Kim Jong-un mất mặt, nhất là ngày 15/4/2013 kỉ niệm 101 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Il-sung,  Mỹ tuyên bố hoãn thử tên lửa chiến lược Minuteman vào tuần tới ở California. Quyết định này có thể tạo ra bầu không khí cho Kim Jong-un xuống thang trong thể diện, đáp ứng được phần nào nỗ lực tăng uy tín và quyền uy đối ngoại cho nhà lãnh đạo trẻ này.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Kiều Tỉnh