Tại Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN mới đây ở Sochi, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp cho các nước ASEAN mẫu thiết kế nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới "3+". Mẫu thiết kế này được cải tiến đặc tính kỹ thuật-kinh tế, đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn được gọi là "hậu Fukusima".
|
Nhà máy điện hạt nhân. Ảnh Sputnik |
Các nhà máy điện hạt nhân thế hệ “3+” này sẽ sử dụng hệ thống an toàn thụ động kết hợp với các hệ thống truyền thống. Các trạm được bảo vệ chắc chắn trước động đất, sóng thần, bão, tai nạn máy bay rơi. Gian lò phản ứng của trạm được bao quanh bởi lớp vỏ bảo vệ kép. Thời hạn vận hành các tổ máy điện được tăng lên tối thiểu là 60 năm, còn trong trường hợp tối đa, có thể đến 100 năm, theo lời Tổng giám đốc Rosatom Sergey Kiriyenko.
Trong quá trình thực tập ở nhà máy điện hạt nhân Novoronezhskoy, các chuyên gia hạt nhân tương lai của Việt Nam đã được làm quen với nhà máy điện hạt nhân thế hệ "3+". Việt Nam chính là quốc gia đầu tiên trong ASEAN dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ "3+". Việc chuẩn bị cơ sở kinh tế kỹ thuật cho dự án đã được hoàn thành cuối năm ngoái. Theo qui định của pháp luật Việt Nam, không phải là Rosatom mà là một công ty độc lập đã hoàn thành công việc này. Hiện nay, mẫu thiết kế nhà máy điện hạt nhân thế hệ "3+" đang được Chính phủ Việt Nam xem xét. Thời điểm Rosatom xây dựng nhà máy tùy thuộc vào khách hàng Việt Nam và hiện thời dự tính nhà máy này sẽ đi vào vận hành vào khoảng 2027-2028.
Tổng giám đốc Rosatom Sergei Kiriyenko lưu ý: "Rosatom liên tục nhận được đơn đặt hàng với số lượng ngày càng gia tăng, không chỉ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà còn về thành lập các trung tâm nghiên cứu và các trung tâm đào tạo chuyên gia về công nghệ hạt nhân và bức xạ có thể được sử dụng trong y học để chẩn đoán và điều trị các bệnh phức tạp nhất. Cũng như trong ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, vật liệu và nhiều lĩnh vực khác".
Ở Việt Nam, ngoài dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Rosatom còn có hai dự án khác. Hà Nội đã thành lập và đang vận hành Trung tâm Thông tin về năng lượng hạt nhân. Nhiệm vụ của trung tâm là giúp người dân có thái độ tích cực đối với năng lượng hạt nhân, không tin vào sự bịa đặt vô căn cứ về nguy cơ của điện hạt nhân đối với con người và môi trường. Đến nay, đã có hơn 50 000 lượt khách đến thăm trung tâm thông tin này.
Dự án thứ ba là thành lập tại Việt Nam Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Cơ sở này rất cần thiết để Việt Nam có khả năng vận hành các nhà máy điện hạt nhân một cách độc lập. Trung tâm này sẽ cho phép Việt Nam tự chủ vận hành nhà máy điện hạt nhân do Nga, Nhật Bản hay những nước khác xây dựng. Đây sẽ là tổ hợp các phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đà Lạt và Hà Nội. Một phòng thí nghiệm sẽ có lò phản ứng hạt nhân với công suất khoảng 15 MW, không phải để sản xuất điện mà để tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Các chuyên gia sẽ nghiên cứu và phát triển những vật liệu tổng hợp mới, chẳng hạn như các loại thuốc. Như dự kiến dự án này sẽ bắt đầu được thực hiện trong 2-3 năm tới.
Minh Châu (Theo Sputnik)