Những người sáng lập tổ chức này mô tả Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ chính là “quyền lực mềm” của Trung Quốc ngay giữa lòng thủ đô nước Mỹ.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thành lập các viện nghiên cứu để tăng cường “quyền lực mềm” của Trung Quốc, thúc đẩy các lợi ích của Bắc Kinh thông qua văn hoá, truyền thông và học thuật. |
Theo “The Wall Street Journal” (WSJ), Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ gồm có 3 nhân viên, làm việc từ một văn phòng nhỏ ở gần sân bay Ronald Reagan ở Washington. Theo Giám đốc điều hành Hồng Nông, sứ mạng của viện này là nghiên cứu trao đổi về các vấn đề hàng hải và quan hệ Mỹ-Trung, chứ không đại diện chính quyền Trung Quốc.
Bà Hồng Nông từng bảo vệ luận văn tiến sĩ tại Đại học Alberta ở Canada, với chủ đề xoay quanh các vấn đề pháp lý và chính trị tại Biển Đông.
Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ ra đời tiếp theo lời hô hào của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái, kêu gọi thành lập những viện nghiên cứu mới để cải thiện đường lối quản trị đất nước và tăng cường “quyền lực mềm” của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thúc đẩy các lợi ích của Bắc Kinh thông qua phương tiện văn hoá, truyền thông và học thuật.
Bài viết trên báo WSJ nói rằng viện nghiên cứu chính sách mới sẽ cho phép các nhà nghiên cứu và các giới chức Trung Quốc có một diễn đàn để tạo ảnh hưởng trong cuộc tranh luận và tiến trình làm chính sách ở Mỹ, đặc biệt là liên quan tới các vụ tranh chấp lãnh hải ở Châu Á hiện đang tiếp tục leo thang tới mức có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore là các nước cung cấp tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), một cơ quan nghiên cứu uy tín và có rất nhiều ảnh hưởng đối với các nhà làm chính sách Mỹ.
Trong khi đó tạp chí “The Economist” ngày 2/5 viết rằng sau nhiều tháng ráo riết “hút đất xây đảo” ở Biển Đông, Trung Quốc đang xoay sang áp dụng một phương hướng tiếp cận có tính “tế nhị hơn”, khi hình thành một viện nghiên cứu (think tank) mới ở Arlington, bang Virginia. Tờ báo nói rằng đây là một chi nhánh của Viện nghiên cứu quốc gia về các vấn đề Biển Đông của Trung Quốc ở Hải Nam.
Dù mới thành lập, nhưng Viện Nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ đã mời được cựu Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger lên tiếng tại diễn đàn mới này.
Phát biểu trong một video được thu hình trước, ông Kissinger đề cập tới tầm quan trọng của các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Tham gia một hội thảo tại diễn đàn này, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói nước ông sẽ hành động một cách kiềm chế ở Biển Đông, mặc dù khẳng định Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ bảo vệ các lợi ích của mình trong vùng biển này.
Tuy nhiên, “The Economist” bình luận rằng việc Trung Quốc, tìm cách “phết lên một lớp sơn học thuật” để củng cố đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông - trong phạm vi cái gọi là “đường lưỡi bò” mà nước này tự vẽ ở Biển Đông - khó có thể thuyết phục nhiều người ở Mỹ hay Đông Nam Á.
Tạp chí “The Economist” viết các công trình đắp đất xây đảo nhân tạo ráo riết của Trung Quốc gần đây đã gây ra những quan ngại sâu xa tại các nước cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này - trong đó có Brunei, Malaysia, Việt Nam và đồng minh của Mỹ là Philippines.
Minh Châu (tổng hợp)