Theo thông cáo, Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên đến Mỹ.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
|
Cũng theo thông cáo của Nhà Trắng, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình mang lại cơ hội “để nới rộng hợp tác Mỹ-Trung về nhiều vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương mà đôi bên cùng quan tâm” và hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ tìm cách giải quyết những bất đồng trong tinh thần xây dựng.
Trong thời gian qua, bất đồng đã đe dọa làm lu mờ các chương trình hợp tác trong quan hệ Trung-Mỹ.
Tấn công mạng
Theo VOA, một trong những mối bất đồng chính là một loạt những vụ tấn công mạng do Trung Quốc thực hiện nhắm vào các mục tiêu của chính phủ và doanh nghiệp Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Obama nói rằng những vụ tấn công mạng này là “không thể chấp nhận”. Ông nói: “Sẽ đến lúc chúng tôi xem vấn đề này là một mối đe dọa cốt lõi đối với an ninh quốc gia và chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này”. Tổng thống Obama nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ phải hối hận nếu xem tấn công mạng là “một lĩnh vực cạnh tranh”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết trong cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Obama sẽ thảo luận về vấn đề tấn công mạng, một vấn đề mà ông “rất quan tâm”.
Ông David Lampton, giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường đại học Johns Hopkins, nói: “Mỹ ngày càng thúc đẩy đi đến tận cùng vấn đề và tôi nghĩ chúng ta cần có một số tiến bộ về những vấn đề này hay chúng ta sẽ phải nghĩ về cách làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của chúng ta một cách hữu hiệu hơn.”
Một trong những giải pháp chống lại những hành động này là những chế tài kinh tế, mà chính quyền Oabama đã quyết định tạm thời không thực hiện trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình.
Tranh chấp trên biển
Một vấn đề khác gây ra căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung là cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước láng giềng.
Mỹ nhiều lần tuyên bố không nghiêng về bên nào trong những vụ tranh chấp chủ quyền, nhưng Washington thường xuyên chỉ trích Trung Quốc vì những hành vi hung hãn của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng nhỏ hơn. Chính phủ Mỹ cũng đã phát triển những mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Mối quan tâm mới nhất của Mỹ tập trung vào việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường sa và thiết lập những cơ sở quân sự tại vùng biển có tranh chấp.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc muốn dùng những hòn đảo nhân tạo này để thực hiện quyền kiểm soát trên thực tế đối với quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, và Brunei cũng yêu sách chủ quyền.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đảo và tôn trọng quyền tự do hàng hải ở vùng biển có tranh chấp. Trung Quốc nói rằng những hoạt động của họ có tính chất hoà bình và không gây hại cho tự do hàng hải. Bắc Kinh cũng bày tỏ sự lo ngại là chiến lược xoay trục an ninh và ngoại giao sang Châu Á của Washington là một mưu toan nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vấn đề nhân quyền
Các tổ chức nhân quyền đang thúc giục Tổng thống Obama đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu trong chuyến viếng thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một lá thư của những người đứng đầu 9 tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch và Hội Ân xá Quốc tế, bày tỏ quan tâm sâu sắc về điều họ gọi là “sự xói mòn đáng kể của nhân quyền dưới sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Trong những cuộc họp cấp cao trước đây, các giới chức của chính quyền Obama thường không muốn công khai chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, có lẽ vì họ e rằng làm như vậy sẽ gây hại cho sự hợp tác trong các lãnh vực khác.
Biến đổi khí hậu
Một trong những trọng tâm trong chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington là vấn đề biến đổi khí hậu và chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà quan sát cho rằng đây là một trọng tâm trong chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington.
Trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tới Bắc Kinh năm ngoái, Mỹ loan báo đến năm 2015, lượng khí thải CO2 của Mỹ sẽ giảm từ 26% đến 28% so với mức của năm 2005, trong khi Trung Quốc lần đầu tiên cam kết là lượng khí thải của nước này sẽ bắt đầu giảm từ năm 2030.
Thoả thuận đó được xem là một diễn tiến có tính chất bước ngoặt của hai nước thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới.
Trong khi Tổng thống Obama tìm cách giảm bớt các mối căng thẳng và thẳng thắn truyền đạt những quan ngại của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình chắc sẽ quan tâm nhiều hơn về việc dân chúng Trung Quốc nghĩ như thế nào về chuyến đi này.
Minh Châu (TH)