Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt: Cụ thể và thiết thực

Google News

(Kiến Thức) - Chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvienko đã mở ra một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt.

Tiến sĩ Khoa học Kinh tế Vladimir Mazyrin đã đưa ra nhận định nói trên, khi trả lời phỏng vấn của Đài Sputnik.
Quan he doi tac chien luoc Nga-Viet: Cu the va thiet thuc
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvienko. Ảnh: Hội đồng Liên bang Nga
Theo chuyên gia Nga Mazyrin, trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt , điều quan trọng là xác nhận sự quan tâm lẫn nhau nhằm duy trì các mối liên hệ giữa các cơ quan lập pháp và các nhà lãnh đạo quốc hội, mà hiện nay cả ở Nga và Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đều có nữ Chủ tịch Quốc hội.
Trong chuyến thăm này, hai bên đã thảo luận một loạt các vấn đề hợp tác Nga-Việt Nam. Phía Việt Nam đã chính thức xác nhận thông tin về chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 6 và lời mời Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Cả Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam đều tái khẳng định mong muốn tích cực phát triển quan hệ với Nga trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, kỹ thuật quân sự, nhân đạo và những lĩnh vực khác. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ nâng kim ngạch thương mại Việt-Nga lên 10 tỷ USD năm 2020, tích cực sử dụng những khả năng của khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu hoạt động từ mùa thu năm ngoái.
Tại cuộc gặp của bà Matvienko với các nhà lãnh đạo Việt Nam, hai bên đã phân tích triển vọng các công ty tư nhân Nga tham gia thực hiện các dự án chung. Ví dụ, công ty Silovye mashiny từng tham gia xây dựng hàng chục cơ sở năng lượng ở Việt Nam. Công ty đang xây dựng một nhà máy thủy điện ở Việt Nam và sẵn sàng cung cấp thiết bị cho những công trình khác. Nga hy vọng rằng, trong năm tới xí nghiệp liên doanh lắp ráp xe tải của Nga tại Việt Nam sẽ được đưa vào hoạt động và sẽ giải quyết vấn đề cung cấp khí hóa lỏng của Nga tới Việt Nam cũng như vấn đề sản xuất nhiên liệu động cơ chạy bằng khí đốt tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, hai bên cũng đề cập đến các dự án chung bị đình trệ do sự chậm trễ từ phía cả Nga và Việt Nam trong việc chuẩn bị hiệp định song phương. Giáo sư Mazyrin nói:"Danh sách các dự án như vậy là khá dài, đến nay có khoảng hai mươi cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với Nga và Việt Nam”.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên nhất trí cần phải kiểm tra kỹ lưỡng những nguyên nhân tại sao những hiệp định về sự đối tác vẫn chưa được ký kết và tăng tốc ký kết các tài liệu đó. Ngoài ra, hai bên nên tăng cường hợp tác giữa các địa phươngcủa hai nước. Vào tháng 9/2017, Khu vực Primorie của Nga - gần gũi nhất với Việt Nam về mặt địa lý — sẽ ký kết một số thỏa thuận với Việt Nam. Primorie có thể cung cấp cho Việt Nam quặng, xi măng, máy móc, gỗ, thực phẩm. Khu vực Primorie mời các nhà kinh doanh Việt Nam thành lập những xí nghiệp liên doanh trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.
Minh Châu (Theo Sputnik)