Philippines tuyên bố sẽ đập tan luận cứ mạnh nhất của Trung Quốc trong vụ kiện về Biển Đông, khi một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn bắt đầu phiên điều trần bằng miệng vào ngày 7/7/2015.
|
Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại lâu đài Vredespaleis (Lâu đài Hòa bình) ở The Hague, Hà Lan. |
Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague không có quyền xem xét đơn kiện của Philippines. Nói cách khác, Trung Quốc nghi vấn thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague.
Với một đội ngũ mạnh do luật sư nổi tiếng Paul Reichler dẫn đầu, Philippines sẵn sàng chứng minh luận điểm của Trung Quốc là sai trái.
Bác bỏ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là bất hợp pháp
Ngày 3/7, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố: "Nếu Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague phán quyết rằng tòa án này có thẩm quyền xem xét đơn kiện của Philippines, Manila sẽ yêu cầu một thời điểm cụ thể trong tương lai để trình bày bằng miệng luận cứ của mình”.
Philippines muốn Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp. “Đường 9 đoạn” (hay còn bị gọi “đường lưỡi bò”) là ranh giới mà Trung Quốc dựa vào để yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc vẫn nói rằng “đường 9 đoạn” mà người Trung Quốc tự vẽ vào những năm 1930 của thế kỷ 20 là có cơ sở lịch sử.
Trong một cuộc phỏng vấn với Maria Ressa Rappler.com ngày 27/6, chuyên viên tư pháp cao cấp Carpio của Tòa án Tối cao Philippines giải thích: "Khi Tòa án (trọng tài The Hague) nói rằng họ có thẩm quyền, thì chúng ta biết rằng tòa án sẽ bác bỏ đường 9 đoạn”. Ông Carpio chỉ ra rằng "99,9% các học giả pháp lý bên ngoài Trung Quốc nghĩ theo cách đó”.
Trong một tuyên bố lập trường được đưa ra vào ngày 7/12/2014, Trung Quốc cho biết vấn đề cơ bản là ai là người sở hữu các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Phía Trung Quốc cho rằng vấn đề chủ yếu là về đất đai, chứ không phải biển. Điều này có nghĩa là vụ kiện của Philippines nằm ngoài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trái lại, Philippines sử dụng UNCLOS làm cơ sở cho vụ kiện chống lại Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague.
Trích dẫn UNCLOS, Manila khẳng định rằng vụ kiện của Philippines liên quan đến quyền đánh cá, và nhiều quyền khác, trong tranh chấp Biển Đông.
Đối với Philippines, vụ kiện này cơ bản liên quan đến hàng hải, chứ không có bản chất lãnh thổ tự nhiên. Phía Philippines nói Trung Quốc cần tuân thủ UNCLOS mà nước này đã ký kết.
Theo UNCLOS, một phần rất lớn Biển Đông thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Vùng đặc quyền kinh tế EEZ là khu vực rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở là một quốc gia ven biển, trong đó có độc quyền đánh cá và nhiều thứ khác.
Nguyên Tổng chưởng Jardeleza cho biết: "Chúng tôi rất tự tin có thể thuyết phục tòa án rằng vụ kiện này không phải về quyền sở hữu đất đai”. Ông Jardeleza thêm rằng Philippines "không yêu cầu tòa án phán quyết về việc ai sở hữu Panatag Shoal (bãi cạn Scarborough)".Thay vào đó, Philippines lập luận rằng Panatag Shoal hay bãi cạn Scarborough là “nằm trong EEZ của chúng tôi và do đó theo quy định của UNCLOS, chúng tôi có quyền độc quyền đánh cá trong vùng đó”.
Về phần mình, Bộ trưởng Tư pháp Philippines, ông De Lima, nói với báo Inquirer: "Tôi đến The Hague trong tư thế ngẩng cao đầu, khi biết rằng lập trường của chúng ta là một lập trường… dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và giữ gìn chủ quyền phẩm giá quốc gia”.
Diễn đàn để “đánh bại Trung Quốc”
Luật sư người Mỹ Paul Reichler, luật sư đại diện cho Philippines, dự kiến sẽ tiến hành tranh tụng cho Philippines từ ngày 7 đến ngày 13/7. Luật sư Reichler là một đối tác của FoleyHoag, một công ty đã có 70 tuổi đời ở Mỹ. Ông cũng là đồng chủ tịch của bộ phận Trọng tài và Tranh tụng quốc tế của FoleyHoag.
Chuyên viên tư pháp cao cấp Carpio, người đã dày công nghiên cứu và giảng dạy về Biển Đông, nói tòa án UNCLOS là "diễn đàn duy nhất mà chúng ta có thể đánh bại Trung Quốc”. Ông nói thêm: "Trong tòa án UNCLOS, tàu chiến, máy bay chiến đấu, bom nguyên tử không có tác dụng. Tòa án này chỉ phán xét các trường hợp dựa trên luật biển.Và đó là diễn đàn mà chúng tôi bình đẳng với Trung Quốc, bất chấp sức mạnh quân sự của nước này”.
Minh Châu (Theo Rappler.com)