Theo Reuters, nhóm phiến quân tại Indonesia này là Jemaah Islamiyah (JI), một tổ chức có mạng lưới hoạt động mà cho mãi tới gần đây người ta vẫn nghĩ đã bị sụp đổ sau đợt trấn áp dữ dội của chính phủ khiến hàng trăm chỉ huy và thủ hạ của chúng phải vào tù sau hàng loạt vụ tấn công du khách phương Tây những năm 2000.
|
Nghi phạm Abdul Hakim Munabari (áo vàng) bị cảnh sát dẫn giải tới tòa án ở Jakarta - Ảnh: AP |
Tuy nhiên các cuộc phỏng vấn của hãng tin Reuters với hai thành viên đang hoạt động và một cựu thành viên khác của Jemaah Islamiyah cho thấy tổ chức này đã hoạt động trở lại. JI đang tuyển mộ thành viên, gây quỹ và gửi người tới vùng chiến sự Syria huấn luyện.
Cựu thành viên JI, Nasir Abas cho biết: “JI hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị. Họ sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động tấn công nào mà chỉ đang tuyển người, củng cố kiến thức, học vấn, mạng lưới và tài chính. Tôi sẽ không đánh giá thấp họ”.
Chuyên gia an ninh tại Jakarta, Sidney Jones, tin số thành viên của Jemaah Islamiyah hiện đã khôi phục vào khoảng 2.000 người, bằng thời điểm trước cuộc tấn công kinh hoàng nhất của nhóm này là đánh bom vào hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, sát hại hơn 200 người, hầu hết là du khách Úc. Gần đây chính phủ Indonesia cũng bắt giữ một số nghi phạm thuộc JI có tàng chứa vũ khí.
Theo các chuyên gia, hiện chưa có bằng chứng cho thấy sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông làm hồi sinh trở lại hoạt động của nhóm Jemaah Islamiyah ở Indonesia, quốc gia có đông người dân theo đạo Hồi nhất thế giới.
Trong quá khứ, Jemaah Islamiyah có những liên hệ với al-Qaeda, tổ chức khủng bố mà IS xem như kẻ thù. Tuy nhiên sự trỗi dậy của Jemaah Islamiyah hiện chưa được nhìn nhận như một cuộc cạnh tranh thánh chiến ở Đông Nam Á.
IS đánh dấu sự xuất hiện của chúng tại Đông Nam Á trong cuộc tấn công đầu tiên xảy ra tháng trước tại Jakarta bằng súng và bom. Tám người đã chết, trong đó có 4 kẻ tấn công.
Cảnh sát Indonesia một mặt vẫn cảnh giác với những cuộc tấn công khác của những kẻ đi theo IS, tuy nhiên vẫn cho rằng, những cuộc tấn công này sẽ rất khác so với quy mô của vụ tấn công xảy ra tại Paris tháng 11 năm ngoái vì IS vẫn thiếu một sức mạnh có tổ chức tại Indonesia.
Tuy nhiên với chiến lược đào tạo, tổ chức tinh vi và khả năng gây quỹ của Jemaah Islamiyah, giới chức Indonesia lo ngại tổ chức này có thể gây nguy cơ an ninh lớn hơn nhiều.
Jemaah Islamiyah từng có các phần tử trung thành trải dọc Đông Nam Á, bao gồm ở Malaysia, Philippines và Thái Lan. Tổ chức này có mục tiêu thiết lập một nhà nước Hồi giáo trên toàn khu vực.
Tuy nhiên theo các thành viên hiện tại của Jemaah Islamiyah, hiện tổ chức này không còn hoạt động xuyên quốc gia nữa mà chỉ tập trung tại Indonesia với chiến lược giành được sự ủng hộ của cộng đồng với ý tưởng và tham vọng của tổ chức.
Theo Tuổi Trẻ