Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc trước thời hạn này có thể bị chi phối bởi những lời kêu gọi phục hồi dân chủ và công lý.
|
Toà án Hiến pháp phế truất Tổng thống Park Geun-hye, diễn ra giữa lúc Hàn Quốc đang bị chia rẽ chính trị sâu sắc. Ảnh: Reuters |
Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi có phán quyết của Toà án Hiến pháp phế truất Tổng thống Park Geun-hye, diễn ra giữa lúc nước này đang bị chia rẽ chính trị sâu sắc.
Cuộc khủng hoảng nhấn chìm phe bảo thủ này đã khiến cho ông Moon Jae-in, cựu chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập và từng bị thua bà Park Geun-hye, trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc 2012 tại Park, nổi lên thành một ứng cử viên tổng thống nặng ký.
Trên thực tế, ông Moon Jae-in luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò sư luận suốt 10 tuần qua. Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây nhất của Realmeter, ông Moon Jae-in nhận được tỷ lệ ủng hộ trên 36%, cao hơn người kế tiếp đến 20 điểm phần trăm. Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn chỉ nhận được 14,2% còn ứng viên tự do An Hee-jung được 12,9%.
Ông Moon Jae-in thường được cho là đại diện của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người vẫn giữ vai trò biểu tượng tự do ở Hàn Quốc. Ông từng là trợ lý hàng đầu của Tổng thống Roh Moo-hyun và tuyên bố ủng hộ di sản của cựu tổng thống.
|
Phe bảo thủ không có một đối thủ đáng kể nào so với ông Moon Jae-in. Ảnh: The Daily Signal |
Cho đến này, phe bảo thủ không có một đối thủ đáng kể nào so với ông Moon Jae-in vì cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bỏ cuộc đua trong tháng 2/2017 do thất vọng với tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc ở Hàn Quốc.
Các chuyên gia nói rằng 60 ngày có thể là quá ngắn để các chính trị gia cánh hữu hồi phục sau vụ bê bối và làm mới hình ảnh đã bị hoen ố của họ.
Cho đến nay, không một nhân vật bảo thủ nào, ngoại trừ Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, được nhắc đến trong các cuộc thăm dò dư luận, mặc dù một số nhân vật đã chính thức công bố tham vọng của họ.
Giới chuyên gia cho rằng liên minh của đảng bảo thủ sẽ không đủ mạnh để tạo ra một sự thay đổi lớn trong cuộc đua vào chức tổng thống Hàn Quốc.
Nhà phân tích chính trị cao cấp Yoon Tae-gon của Tổ chức tư vấn Moa cho biết mặc dù khối bảo thủ có thể sẽ tiến hành các cuộc vận động lớn, nhưng khó có thể đảo ngược kết quả thăm dò dư luận. Ông nói thêm: "Phe đối lập vẫn sẽ duy trì lợi thế trong cuộc đua (giành chức Tổng thống Hàn Quốc) này”.
Xem xét tình hình hiện nay, ông Yoon Tae-gon dự đoán phe đối lập dự kiến sẽ đưa ra nhiều ứng cử viên vì không có đối thủ chính trong khối bảo thủ.
Cuộc bầu cử tổng thống bắt đầu giữa lúc Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng từ phía CHDCND Triều Tiên, do đó an ninh quốc gia có thể là một trong những chủ đề tranh cử nổi bật và là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Hiện tại, một trong những cuộc tranh luận nóng bỏng nhất liên quan đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ tại Hàn Quốc. Washington đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc hồi đầu tuần này.
Trong khi đảng cầm quyền và Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn nói Hàn Quốc cần có hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước chống lại sự khiêu khích của Bình Nhưỡng, hầu hết ứng cử viên tự do đều phản đối động thái này vì nó làm xấu đi mối quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc.
Do lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ có thể làm hại cho chiến lược quân sự của Trung Quốc, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều biện pháp trả đũa về kinh tế đối với Seoul, bao gồm lệnh cấm bán tour du lịch đến Hàn Quốc.
Do đó, các cử tri sẽ chú ý tới việc các ứng viên tổng thống đưa ra những giải pháp giải quyết căng thẳng với Triều Tiên và mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc.
Các ứng viên cũng sẽ sa vào cuộc tranh luận gay gắt về đề xuất sửa đổi Hiến pháp, vốn từ lâu đã bị chỉ trích là trao quyền hành quá nhiều cho tổng thống. Những người chỉ trích nói rằng hệ thống hiện tại cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ bê bối liên quan đến bà Park Geun-hye.
Theo giới phân tích, lập trường của các ứng cử viên về việc sửa đổi Hiến pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định người chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp tới.
Minh Châu (Theo Yonhap)