Phân quyền có giúp Ukraine ra khỏi khủng hoảng?

Google News

(Kiến Thức) - Quốc hội Ukraine đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới phân quyền cho các địa phương. Liệu điều này có thể giúp Ukraine ra khỏi khủng hoảng?

Bạo lực bùng phát
Trong vụ bạo lực tồi tệ nhất ở Kiev kể từ "cách mạng Maidan" hồi năm 2014, cuộc xung đột giữa những người biểu tình và cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine ngày 31/8 vừa qua đã khiến ít nhất một người chết và khoảng 100 người bị thương, bốn người ở trong tình trạng nguy kịch. 
Cùng ngày 31/8, Quốc hội Ukraine đã thông qua sửa đổi Hiến pháp trao “quy chế đặc biệt” cho các khu vực do phe ly khai ở miền đông Urkaine. Động thái này đánh dấu bước đầu tiên trong việc Kiev tuân thủ Thỏa thuận Minsk II vốn được cả Liên minh Châu Âu và Nga ủng hộ. Được biết, cải cách nói trên cần được bỏ phiếu tiếp theo vào cuối năm để thông qua. Liệu bước ngoặt này có thể giúp Ukraine ra khỏi khủng hoảng?
Những những người biểu tình do đảng Cấp tiến và Svoboda dẫn đầu cho rằng, cải cách phân quyền là một sự đầu hàng quân nổi dậy do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine. 
Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng cải cách này là cần thiết để tiến tới lộ trình hòa bình và tái hòa nhập theo Thỏa thuận Minsk.
Phan quyen co  giup Ukraine ra khoi khung hoang?
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Ukraine ngày 31/8. 
Nhiều người phản đối điều khoản trao quyền tự trị tạm thời cho Nhà nước Cộng hòa Donetsk và Luhansk của phe nổi dậy ở miền đông Urkaine.
“Những bất đồng trong xã hội chủ yếu xuất phát từ việc trao quy chế đặc biệt cho khu vực do phe ly khai kiểm soát. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố không có quy chế đặc biệt nào nhưng thực tế không như vậy”, Sergei Gaiday – chuyên gia chính trị độc lập ở Kiev - nói.
Phân quyền hay liên bang hóa?
Theo Thỏa thuận Minsk, Ukraine cần sửa đổi hiến pháp, cấp quyền tự trị cho các khu vực, cho phép nhà nước tự xưng của phe ly khai tổ chức các cuộc bầu cử trên lãnh thổ do họ kiểm soát và khởi động cuộc đàm phán tái hòa nhập. Đổi lại, phe ly khai sẽ trao phần biên giới Nga-Ukraine cho Kiev kiểm soát.
Tuy nhiên, có một sự bất đồng cơ bản về bản chất của một Ukraine “phân quyền”. Tại Kiev, cải cách này được cho là trao quyền hạn chế cho chính quyền địa phương,  trong khi chính phủ Urraine vẫn độc quyền về quân sự,  ngoại giao và kiểm soát nền kinh tế tổng thể.
Moscow cho rằng Ukraine cần có thể chế “liên bang” giúp các khu vực giải quyết những vấn đề như ngôn ngữ hay kinh tế theo cách riêng của họ. Các nhà lãnh đạo phe ly khai ở Donetsk và Luhansk đã đề xuất những thay đổi về hiến pháp khác với Kiev.
Phan quyen co  giup Ukraine ra khoi khung hoang?-Hinh-2
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. 
Nghị sĩ Olexander Chernenko đã bỏ phiếu cho dự luật phân cấp quyền lực ngày 31/8 vì ông coi đó là cải cách cơ bản nhất của Ukraine và việc trì hoãn có thể dẫn đến một thảm họa.
“Nếu chúng ta không thông qua dự luật đó hôm nay (31/8) thì sẽ phải trì hoãn đến sang năm. Một số lực lượng chính trị sẽ lợi dụng cơ hội này thực hiện mục đích riêng của họ trước các cuộc bầu cử (vào tháng 10)”, Olexander phát biểu.
Ukraine sẽ “chia rẽ”?
Một số ý kiến khác cho rằng, mặc dù việc phân quyền có thể cần thiết nhưng tình hình kinh tế và chính trị trong nước rất không ổn định để quá trình này được thực hiện một cách hiệu quả.
“Đây là một con đường đầy mạo hiểm. Người ta lo ngại rằng, các phần tử ly khai ở miền đông sẽ được hợp pháp hóa và họ có thể được bầu vào các hội đồng và cơ quan lập pháp địa phương. Nguy cơ khiêu khích và leo thang căng thẳng vẫn hiện diện”, Vladimir Panchenko – chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở Kiev nhận định.
Một cuộc thăm dò dư luận toàn diện nhất ở Ukraine do Viện Cộng hòa Quốc tế thực hiện hồi tháng 7 cho thấy, đa số ý kiến ủng hộ Ukranie là một nhà nước “thống nhất”.
“Các nhà chức trách ngày càng đưa ra những quyết định một cách không minh bạch. Người dân không được bày tỏ ý kiến về phân cấp quyền lực. Quá trình này không diễn ra công khai. Đó là một tiền lệ rất nguy hiểm”, Sergei Gaiday bình luận.
Thiên An (Theo CSM)